Xe bồn của Petrolimex cung cấp nhiên liệu chotàu bay của hãng AVER AIR tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hoàng Minh |
Ngày 12/10, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) cho biết, từ ngày 1/10 các tàu bay sử dụng cầu hành khách tại ga quốc tế đều phải sử dụng hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm (FHS) mà không được sử dụng xe bồn. Việc làm này bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí, thời gian khi tàu bay tiếp nhiên liệu.
Sân bay quốc tế vẫn tra nạp nhiên liệu thủ công
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, một chiếc tàu bay của hãng Vietjet vừa vào khu vực sân đỗ ở sân bay Tân Sơn Nhất sau một chuyến bay dài. Một chiếc xe bồn của Petrolimex liền được điều đến để bơm thêm nhiên liệu cho tàu bay. Theo quan sát, mất hơn 10 phút để nhân viên đưa ống dẫn từ bồn xăng lên cửa thùng nhiêu liệu tàu bay. Sau đó cũng mất thêm khoảng 10 phút để bơm hết bồn nhiên liệu này. Chiếc xe bồn bơm xong, chạy ra ngoài để chiếc xe bồn khác vào bơm tiếp. Nhân viên kỹ thuật tiếp tục tháo hệ thống ống dẫn ra rồi lắp vào.
Cùng thời điểm, ở khu vực nhà ga quốc tế, chiếc tàu bay của hãng EVA AIR đang được kiểm tra kỹ thuật ở khu vực ống lồng. Phía dưới đất, một chiếc xe bồn của Petrolimex với hai công nhân đang hì hục gắn thiết bị cấp nhiên liệu cho tàu bay một cách thủ công. Để bơm đầy nhiên liệu cho chiếc tàu bay cỡ lớn này cần bốn xe bồn chở đầy xăng chạy ra vào với tổng thời gian khoảng 60 phút. Với ngành Hàng không, một phút chờ đợi là thiệt hại rất lớn. Tra nạp nhiên liệu chậm nên việc đưa hành khách ra tàu bay cũng chậm lại. Tàu bay phải nằm chờ trên sân đỗ lâu hơn, trong khi khu vực sân đỗ đang rất quá tải.
Theo thống kê của TIA, trong 9 tháng đầu năm 2016, trung bình mỗi ngày sân bay đón 630 chuyến đến/đi. Để cung cấp nhiên liệu cho hàng trăm chuyến bay đi đến cũng cần hàng trăm chuyến xe bồn chở nhiêu liệu ra vào khu vực sân đỗ.
Ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc TIA nhận định, với một sân bay nhộn nhịp như Tân Sơn Nhất, việc mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe bồn chở nhiên liệu ra vào khu vực sân đỗ là rất nguy hiểm. Ở khu vực nhà ga quốc tế, theo thiết kế các chuyến bay sử dụng cầu hành khách (ống lồng), phải sử dụng các hệ thống cung cấp ngầm như: Điện, nước, khí. Nhưng việc tra nạp nhiên liệu thời gian qua vẫn phải sử dụng xe bồn một cách thủ công là bất cập.
“Những chiếc xe lưu thông trong khu vực sân đỗ là rất nguy hiểm. Đã có trường hợp xe bồn đâm gãy trụ điện ở sân đỗ, may mà chưa xảy ra chuyện gì lớn”, ông Cường nói.
>>> Xem thêm video:
Giảm lượng xe bồn ra vào sân bay
Giữa tháng 7/2016, một công trình tra nạp nhiên liệu bằng ống ngầm được đưa vào hoạt động tại Tân Sơn Nhất. Công ty Tapetco xây dựng một hệ thống kho ở khu vực đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình gồm ba bồn có thể chứa 9.000 khối dầu Jet A-1. Cùng với đó là xây dựng hệ thống ống ngầm dẫn nhiên liệu vào khu vực sân đỗ nhà ga quốc tế. Tại đây có 20 hố van được lắp tại 10 vị trí sân đỗ.
Với một chiếc xe chuyên dùng, công nhân chỉ cần sử dụng hệ thống ống để lắp nối miệng hố van với miệng thùng nhiên liệu của tàu bay một lần duy nhất. Sau đó ấn nút là bơm đầy thùng nhiên liệu tàu bay một cách dễ dàng, an toàn mà không phải tháo đường ống ra vào nhiều lần.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó giám đốc TIA cho biết, hiện nay hệ thống FHS do Công ty Tapetco đầu tư đã sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ xăng dầu tại các vị trí cầu hành khách quốc tế. Việc sử dụng dịch vụ cung cấp xăng dầu qua hệ thống FHS nhằm mục đích đảm bảo an toàn trên sân đỗ, đồng bộ các dịch vụ tại cầu hành khách, rút ngắn thời gian đỗ lại và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong điều kiện quá tải hiện nay. |
Ông Nguyễn Tấn Lực, Giám đốc Tapetco cho biết, nếu sử dụng hệ thống tra nạp nhiên liệu bằng đường ống ngầm cho khu vực nhà ga quốc tế, ước tính mỗi năm sẽ giảm được hơn 12 nghìn chuyến xe bồn lưu thông ra vào khu vực sân đỗ, tiết kiệm hơn 5.000 giờ chờ tra nạp nhiên liệu cho các hãng hàng không.
Tại buổi trao quyết định đưa hệ thống FHS của Tapetco vào sử dụng (ngày 15/7), ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá cao việc xây dựng hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Việc đưa hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm vào phục vụ cung cấp nhiên liệu cho tàu bay sẽ giảm thời gian chờ đợi, khiến tàu bay quay vòng nhanh hơn, hiệu quả khai thác của hãng hàng không tăng lên, giảm được tình trạng quá tải ở khu vực sân đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất.
Lợi ích là vậy, song hiện tại việc sử dụng hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm này chưa được đơn vị nào sử dụng. Tại Tân Sơn Nhất hiện nay có hai đơn vị cung cấp xăng dầu cho các hãng hàng không là Skypec và Petrolimex vẫn sử dụng xe bồn để đưa nhiên liệu vào tra nạp cho tàu bay một cách thủ công. Tapetco là đơn vị đầu tư hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm nhưng lại không được cung cấp nhiên liệu cho các hãng hàng không.
Nhằm giảm lượng xe bồn lưu thông ở khu vực sân đỗ, tăng tính an toàn, TIA quy định từ ngày 1/10 không cho phép các xe tra nạp xăng dầu hoạt động tại các bến đỗ sử dụng dịch vụ cầu hành khách (bao gồm bến đỗ số 8/9, các bến từ 15 đến 22). Các tàu bay không sử dụng dịch vụ cung cấp xăng dầu qua hệ thống FHS sẽ được bố trí ở các bến đỗ bên ngoài để thuận tiện cho việc tra nạp nhiên liệu bằng xe bồn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận