Xã hội

Chợ ẩm thực băm nát hành lang đê sông Hồng

06/10/2016, 06:54
image

Theo nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết, quần thể nhà hàng, quán nhậu trên được xây dựng nhiều năm nay.

Nhiều nhà hàng quán nhậu tại khu ẩm thực Ngọc Lâm
Nhiều nhà hàng quán nhậu tại khu ẩm thực Ngọc Lâm vi phạm Luật Đê điều

Được giao quản lý hàng nghìn m2 đất ven đê sông Hồng nhưng UBND phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội đã buông lỏng quản lý khi để các hộ kinh doanh tại chợ ẩm thực Ngọc Lâm lấn chiếm và xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ.

Ngang nhiên vi phạm Luật đê điều

Theo ghi nhận, khu nhà hàng, quán nhậu ven sông Hồng - chợ ẩm thực Ngọc Lâm có tới hàng chục nhà hàng mọc lên, ngay sát bờ sông Hồng. Vị trí quần thể này nằm sát cầu Long Biên, hầu hết các hàng quán ở đây có diện tích kinh doanh rất rộng, được làm bằng khung sắt kiên cố, có mái che, hàng rào chắn giữa các hộ. Ngoài ra, các lán sắt kiên cố còn được dựng ra sát bờ sông để mở rộng diện tích kinh doanh.

Theo nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết, quần thể nhà hàng, quán nhậu trên được xây dựng nhiều năm nay. Vì vị trí nằm sát bờ sông Hồng, lại gần cầu Long Biên, thực khách đến đây ăn nhậu vừa được ngắm cây cầu cổ kính và dòng sông Hồng thơ mộng nên hàng ngày có tới cả nghìn thực khách nườm nượp ra vào. Nhiều hôm, các quán nhậu mở tới tận đêm khuya nên rất ồn ào và mất trật tự. “Trước đây, khu này là đất bãi sông, chỉ có vài năm mà bây giờ đã trở thành quần thể ẩm thực hoành tráng. Đây là phần diện tích đất bờ sông nằm trong hành lang thoát lũ đê điều nhưng không hiểu sao vẫn ngang nhiên tồn tại”, một người dân bức xúc.

Tại buổi làm việc với PV Báo Giao thông, ông Lê Mạnh Tùng, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho biết, chợ ẩm thực Ngọc Lâm và chợ dân sinh Ngọc Lâm (nằm bên cạnh) thuộc khu vực đất công với diện tích 14.340m2 tại tổ dân phố số 27, phường Ngọc Lâm. Trước kia, nơi đây là đất bãi bỏ hoang, người dân thường xuyên lấn chiếm, đổ trộm phế thải, gây ô nhiễm môi trường… Nhằm quản lý, chống lấn chiếm, khu vực này đã được UBND huyện Gia Lâm (cũ) thu hồi năm 2002 và đến năm 2006 được UBND quận Long Biên phê duyệt phương án quản lý chống lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh môi trường kết hợp làm dịch vụ trông giữ xe. Đơn vị trúng thầu là HTX Dịch vụ vận tải bốc xếp Gia Lâm, được phép khai thác, quản lý, sử dụng toàn bộ phần diện tích đất trên.

Đến năm 2009, UBND quận Long Biên tiếp tục phê duyệt phương án xây dựng chợ tạm (5.000m2) nằm trong diện tích 14.340m2 mà trước đó đã giao cho HTX quản lý. Với phần diện tích còn lại, HTX Gia Lâm đã trình phương án xây dựng, cải tạo, khai thác chợ ẩm thực và được UBND quận Long Biên phê duyệt vào năm 2011. Sau đó, HTX đã cho xây mái che phía trước và công trình phụ phía sau dựa trên văn bản chấp thuận của UBND quận Long Biên nhằm tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho các hộ đến thuê cửa hàng. Kể từ đó, khách hàng bắt đầu kéo đến ngày một đông.

Trả lời câu hỏi của PV, có hay không việc các hộ kinh doanh tự ý lấn chiếm, dựng hàng quán trái phép trên phần đất đối diện chỉ được phép để ô tô, xe máy, ông Tùng thừa nhận, có việc các hộ kinh doanh xây dựng hàng quán trái phép, vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng. Khẳng định chưa có trường hợp nào gây mất ANTT tại khu vực này, song ông Tùng cũng thừa nhận, tại một số thời điểm đông khách đã không tránh khỏi ồn ào và một số cửa hàng bán quá giờ so với quy định.

Chính quyền bất lực hay làm ngơ?

quán nhậu được xây sát mép sông Hồng
Quán nhậu được xây sát mép sông Hồng

Theo tìm hiểu của PV, nhiều lần các cơ quan chức năng đã ra văn bản yêu cầu UBND Quận Long Biên, UBND phường Ngọc Lâm xử lý dứt điểm các tồn tại vi phạm Luật Đê điều, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả các sai phạm trên vẫn ngang nhiên tồn tại.

Một lãnh đạo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra thực tế hiện trường, khu vực bãi sông từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương thuộc địa bàn phường Ngọc Lâm đã xuất hiện tình trạng dựng lều lán xây dựng công trình sát bờ sông, vi phạm Luật Đê điều. Từ những phát hiện trên, chi cục đã nhiều lần gửi văn bản tới các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý tình trạng vi phạm nhưng đến nay các vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký công văn yêu cầu Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra, xử lý thông tin về hoạt động kinh doanh vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng; giao Chủ tịch UBND quận Long Biên chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra; Xử lý, đình chỉ hoạt động kinh doanh vi phạm hành lang thoát lũ nếu có.

Tuy nhiên, những gì đang tồn tại tại khu vực Chợ ẩm thực Ngọc Lâm cho thấy không có gì chuyển biến. Điều này khiến dư luận không thể nghi ngại đặt câu hỏi: Chính quyền ở đây bất lực hay làm ngơ trước sai phạm?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Đình Tính, Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên cho biết, khu vực chợ ẩm thực Ngọc Lâm nằm trong quy hoạch của quận nhằm mục đích gom những hộ kinh doanh nhà hàng, ăn uống trên phố Ngọc Lâm để đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, các hộ có lấn ra ngoài bờ sông một phần diện tích để mở rộng nhà hàng dẫn tới vi phạm Luật Đê điều. UBND quận đã giao phường Ngọc Lâm triển khai nhắc nhở, tháo dỡ những công trình sai phạm. “Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút đi, các lều lán này lại tiếp tục được dựng ra. Thời gian tới, chúng tôi kiên quyết xử lý nếu các chủ nhà hàng còn vi phạm”, ông Tính nói.

>>> Xem thêm video xe máy sang đường ẩu suýt gây tai nạn:

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Đình Tính, Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên cho biết, khu vực chợ ẩm thực Ngọc Lâm nằm trong quy hoạch của quận nhằm mục đích gom những hộ kinh doanh nhà hàng, ăn uống trên phố Ngọc Lâm để đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, các hộ có lấn ra ngoài bờ sông một phần diện tích để mở rộng nhà hàng dẫn tới vi phạm Luật Đê điều. UBND quận đã giao phường Ngọc Lâm triển khai nhắc nhở, tháo dỡ những công trình sai phạm. “Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút đi, các lều lán này lại tiếp tục được dựng ra. Thời gian tới, chúng tôi kiên quyết xử lý nếu các chủ nhà hàng còn vi phạm”, ông Tính nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.