Năm 2019 mới bắt đầu chưa lâu, người ta đã xác định được ứng cử viên "người mẹ của năm".
Người mẹ ấy khá trẻ, 22 tuổi, vừa sinh con lần đầu được 20 ngày thì "có biến". Cô đau đớn cho biết trong lúc chồng đi làm, mẹ chồng đi chợ, cô tắm trong nhà, thì bị kẻ xấu lẻn vào tận giường bắt mất con.
Tin động trời, gây ồn ào cả nước. Những người có con nhỏ lo lắng, bất an. May thay, sáng 2/3, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng cho cộng đồng thở phào.
Thông tin đó là bịa đặt. Không có vụ bắt cóc và những tên cướp trẻ em trắng trợn.
Kẻ dối trá bẽ mặt. Cô ây tự dựng lên câu chuyện đứa trẻ bị bắt cóc ngay trong nhà vì... không muốn nuôi con.
Hóa ra, có cả một chuyện dài lòng vòng phía sau gia đình nhỏ của cô. Cô có bầu ở quê, mới lên Bình Dương. Người đàn ông đang sống chung nhà với cô không phải là cha của bé. Đương nhiên, bà mẹ của anh từ quê lên bế cháu không phải bà nội đứa trẻ. Sau khi tham gia một hội nhóm trên Facebook, người phụ nữ liên lạc với một cặp vợ chồng hiếm muộn và nhận 15 triệu đồng.
Không đi sâu vào bàn về uẩn khúc cuộc đời của cô vì ai chẳng có một bi kịch nào đó không muốn phơi bày. Nhưng câu chuyện cho thấy một góc đắng chát của cuộc sống nữ thanh niên.
Bi kịch lớn nhất ở đây là người mẹ trẻ ấy nông nổi sinh con khi chưa chuẩn bị tâm thế làm mẹ, vì vậy cô không đủ ý chí, sức mạnh mà vượt mọi khó khăn.
Bi kịch ở đây là lúc mang bầu em bé, cô đưa người đàn ông đang sống với mình vào tình cảnh "đổ vỏ" để rồi không thoát khỏi cảm giác áy náy với anh và mẹ anh.
Cũng không loại trừ những vấn đề sức khỏe và tâm thần sau sinh, liệu cô có bị trầm cảm rồi tìm giải pháp phải mang con đi hay không? (Hãy nhớ, đã có những bà mẹ giết con vì mất ngủ triền miên dẫn tới ảo giác và sợ tiếng khóc của chính đứa con mình).
Tuy nhiên, nhìn rộng trên góc độ xã hội, từ một số vụ việc mẹ hành xử tệ bạc với chính con mình dứt ruột sinh ra, có thấy sự ngây thơ về pháp luật của số khá đông người trẻ. Họ có thể biết mình vi phạm đạo đức, nhưng vẫn còn quan điểm "con tôi đẻ ra, tôi muốn làm gì là quyền của tôi" mà không nghĩ có thể bị khởi tố, bị đi tù, họ ngây thơ cho rằng nình sẽ lừa được người thân, lừa cả cơ quan công an và cộng đồng.
Tôi chợt nhớ tới những bài báo về nữ công nhân và lao động nghèo trong các xóm trọ. Nếu bạn từng khi tới những khu trọ như thế, bạn sẽ biết, chuyện một cô gái mang bầu "vô chủ" không mấy lạ lẫm.
Sâu trong các con hẻm ngoằn nghèo là những phòng trọ chật chội, lụp xụp, vài mét vuông, nhìn vào thấy ngay những cái bếp ga nho nhỏ và vô số nồi niêu, chai lọ...
Cũng chẳng có cánh cửa nào giấu đi những thanh niên cởi trần ngồi xì xụp ăn cơm hoặc lăn ra giữa sàn ngủ. "Là bồ nhỏ A", "là chồng nhỏ B", "là bạn trai mới của nhỏ C"... Tôi nhiều lần được nghe giới thiệu, người nói tỉnh bơ, có khi kèm theo ánh mắt tự hào của nhỏ A, B, C ngồi ngay đó.
Là vì, nữ thanh niên nghèo hình như đông quá và... "rẻ" quá. Chỉ một cậu trai cùng công ty chưa biết tính tình ra sao, một cậu đồng hương chưa rõ gia cảnh gốc tích là có thể dễ dàng tán tỉnh "đổ rụp" một cô em xinh xắn, rồi nhanh chóng được người chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ mà chẳng cần cưới xin gì.
Xa nhà, trống vắng tình cảm, chỗ dựa, hay nghèo khó và ế ẩm hoàn toàn không phải nguyên nhân khiến các nữ thanh niên "mất giá" và lao đầu vào tình yêu mù quáng, không có tương lai. Sâu sa hơn và khó sửa chữa, thay đổi hơn nhiều là sự thiếu ý thức và lòng tự trọng. Những thứ đó, phải chăng các cô không được dạy dỗ kỹ từ nhỏ, cũng không buồn tự rèn mình mỗi ngày, nên mỗi ngày một rơi rụng.
Từ nay, người phụ nữ đó làm sao có thể ngẩng đầu mà sống?
Đứa trẻ lớn lên liệu có thể miễn nhiễm với xì xầm về biến cố đời mình: bị chính người sinh ra mình dường ruồng bỏ?!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận