Bất động sản

Chớ dại mà “tham rẻ” mua đất bằng giấy tờ viết tay

10/12/2024, 09:30

Đất không có "sổ đỏ" rẻ hơn nhiều đất có nguồn gốc, vì thế nó vẫn được giao dịch trên thị trường qua giấy tờ viết tay. Tuy nhiên, quy định ngày càng chặt chẽ, khiến chủ sở hữu loại đất này đối diện nhiều rủi ro.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, những giao dịch đất đai bằng giấy tờ viết tay, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "sổ đỏ" là không đúng quy định của Luật Đất đai. Chính điều này, mang lại rủi ro khá lớn cho người mua, họ "chôn" tiền trong một tài sản không có thực, không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt là hiện nay, Nhà nước quy định chặt chẽ hơn với đất mua bán bằng giấy tờ viết tay.

Chớ dại mà “tham rẻ” mua đất bằng giấy tờ viết tay- Ảnh 1.

Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn phát sinh các giao dịch mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay. Ảnh: NH.

Luật sư Tùng cho biết, Điều 95 Luật Đất đai 2024 quy định về điều kiện để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng  là khi có các giấy tờ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

Có quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 137 của luật này;

Nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật từ người có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai; Được sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Ngắn gọn quy định trên, để hộ gia đình, cá nhân được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cần đáp ứng các điều kiện dưới đây: Có Giấy chứng nhận, có quyết định giao đất/quyết định cho thuê đất/quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền;

Có 1 trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 137 của Luật này, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định từ người có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai;

được sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

"Như vậy, giấy tờ viết tay không được căn cứ làm cơ sở bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, trừ một trong hai trường hợp nêu. Vì thế, tổ chức, cá nhân cần cẩn trọng khi mua bán đất không rõ nguồn gốc theo hình thức viết tay", luật sư khuyến cáo.

Trên thực tế, không ít trường hợp đã nhận rủi ro khi giao dịch theo hình thức này.  Anh Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho biết, bố anh mua đất bằng giấy tay năm 1996, đến năm 2008 xây nhà cho thuê. Hiện căn nhà do bố anh đứng tên, mọi thủ tục liên quan đến chính quyền như đóng thuế đất, ký hợp đồng cho thuê nhà..., đứng tên ông. Nay đã 85 tuổi, ông muốn tặng lại căn nhà cho vợ chồng anh. Nhưng khi đi làm thủ tục, việc chuyển nhượng bị cơ quan chức năng từ chối vì giấy tờ viết tay không có giá trị pháp lý.

Anh N.Đ.T (Sơn Tây, HN) cũng rơi vào cảnh tượng dở khóc dở cười khi mua đất bằng giấy tờ viết tay. Chia sẻ với PV, anh T cho biết anh  mua một miếng đất của người dì ruột với giá gần 250 triệu đồng. 

Khi mua bán, hai bên chỉ làm giấy viết tay. Vì là mua bán của người thân, anh T không quan tâm lắm đến tờ, đồng ý giao dịch bằng giấy tờ viết tay.  Năm 2014, anh T lập gia đình, có ý định xây dựng nhà để vợ chồng ra ở riêng thì bị gia đình người dì ruột cản trở, không đồng ý giao đất. Đồng thời dì anh cũng yêu cầu chứng minh quyền sở hữu. Lời qua tiếng lại, hai bên làm đơn ra tòa, nhưng anh bị thua kiện vì không chứng minh được quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.