Thảo luận tại hội trường về việc phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu rõ: Lâu nay, tình trạng chạy chức, chạy quyền được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn nhiều người coi đây là “vùng cấm”. Chợ đen của việc mua quan, bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua và ai bán, chỉ biết dư luận râm ran chợ đen này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử và đại hội.
“Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch các chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước ta về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” - ĐB biểu nói.
Nói rõ hơn về tham nhũng, ĐB Hoà Bình nhấn mạnh: Cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu trong thực thi công vụ thì gọi là tham nhũng vặt. Loại tham nhũng này tạo nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn gặp vô cùng khó khăn.
“Tôi muốn nhấn mạnh tham nhũng vặt được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng tình hình tham nhũng mà thôi. Thực tế tệ nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng. Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý lãnh đạo của nhà nước sẽ thấy điều gì tạo nên một hiện trạng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ? Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý? Tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tràn lan đâu chỉ là quản lý yếu kém. Gian lận trong thi cử, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua cũng là hậu quả của nạn tham nhũng mặc dù cơ quan điều tra chưa thể kết luận một cách rõ ràng” – ĐB Sinh bức xúc.
Dẫn ví dụ vụ đầu độc nguồn nước sạch sông Đà, ĐB Sinh đặt câu hỏi: Đằng sau hành vi đổ thải, đầu độc nguồn nước là gì? Ai và cơ quan nào và sẽ phải chịu trách nhiệm?
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng Đảng, Nhà nước, Quốc hội thời gian qua đã rất quyết liệt trong việc chống tham nhũng. Một số vụ án lớn được đưa ra xét xử. Cho rằng đây là điều đáng mừng, ĐB Hà Nội cũng thẳng thắn “theo tôi chưa triệt để, vẫn còn vùng cấm, giơ cao đánh khẽ”.
Cũng về chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích: Hầu hết các báo cáo của các cơ quan tư pháp và chống tham nhũng đều có nhận xét năng lực chuyên môn còn hạn chế, trách nhiệm công vụ chưa cao nên còn để xảy ra những hạn chế, những sai sót trong công việc.
“Các cơ quan nói trên cần tìm cách chấm dứt những hạn chế này vì sai sót dù ít dù nhỏ nhưng hậu quả rất to lớn. Nếu để lọt một tội phạm thì tội ác còn tiếp tục hoành hành trong xã hội. Nếu để oan sai một trường hợp thì nỗi đau không chỉ riêng cho cá nhân người đó mà cho cả một gia đình, một dòng họ” - ĐB Trí nêu quan điểm.
Cuối cùng, ĐB Hà Nội cho rằng Ủy ban Tư pháp trong báo cáo thẩm tra của mình đã đề cập vẫn còn hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan chống tham nhũng. Nếu vậy thì rất buồn thậm chí là không thể chấp nhận được.
“Tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và các bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đánh giá thực trạng tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới. Nhưng tôi xin lưu ý đây không phải là lần đầu cử tri và Ủy ban Tư pháp có đề nghị này” - ĐB nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận