Chiếc xe của anh Lê Văn Kiều như chở cả ‘’thế giới’’ hàng hóa
Mỗi người một hoàn cảnh, họ sắm xe, nhập hàng rồi trèo non lội suối rong ruổi trên các cung đường, bản làng biên giới, cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu cho bà con.
Nhọc nhằn mưu sinh
5h sáng! thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn chìm trong mây mù ẩm ướt và gió lạnh. Cột mốc bên đường báo cho chúng tôi biết mình đang cách Cổng trời Mường Lống (độ cao 1.500m) 3km.
Không phủ nhận các mặt tích cực mà những xe hàng rong đem đến cho bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa biên giới. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, những xe này thường chở nhiều hàng, cồng kềnh nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nguy cơ TNGT cao khi đi qua những đoạn đèo dốc quanh co. Quá trình tuần tra, kiểm soát, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và cảnh báo người bán phải chở hàng đúng quy định, thường xuyên kiểm tra hệ thống an toàn xe trước khi khởi hành để bảo đảm an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông.
Trung tá Và Bá Bì, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Dù trước mặt không có một biển báo hay chỉ dẫn nào nhưng anh Hoàng Văn Thái (30 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) vẫn quay ngoắt xe 90 độ, rẽ trái lao vào một quán tạp hóa nhỏ cách tuyến đường tỉnh chừng 30m như thể anh đã đi con đường này cả ngàn lần.
Hôm nay may mắn, anh Thái bán được một vài cái bóng điện nên tỏ ra khá phấn khởi: “Trước đây, mình làm nhân viên kinh doanh cho một đại lý bán phụ tùng xe ô tô. Thế nhưng, thu nhập bấp bênh nên sắm xe máy xuống chợ Vinh lấy hàng rồi lên biên giới bán”.
“Hàng hóa thì đủ cả, mùa nào thứ nấy, từ bóng điện, keo 502, tất chân cho đến… băng vệ sinh của chị em phụ nữ. Bán buôn cho các cửa hàng tạp hóa cũng có, bán lẻ cho người dân cũng có. Ngày cao điểm mình đi khoảng 200 - 250km, qua không biết bao nhiêu con dốc, khe suối ở miền biên ải này”, anh Thái nói.
Nhìn chiếc xe máy chất kín hàng hóa của anh Thái, chúng tôi đã thấy ái ngại nhưng so với “chợ di động” của anh Lê Văn Kiều (45 tuổi, quê Tương Dương, Nghệ An) thì xem ra vẫn chưa thấm tháp gì.
Ngoài một tủ kính được cố định sau yên xe, chúng tôi còn đếm được gần 10 túi nilon loại lớn được treo kín từ trước giỏ cho đến mọi vị trí trên xe. Hàng hóa đủ loại, từ quần áo may sẵn, bình nhựa, khẩu trang, kem đánh răng, đồ chơi cho đến cái kim, hộp chỉ, dao lam… “Tôi chở cả thế giới lên bán cho đồng bào”, anh Kiều cười.
Anh Kiều từng làm thợ xây nhưng “bữa đực, bữa cái” nên chán nản. Một ngày cuối tháng 8/2002, anh “lên đồ” cho “chợ” rồi hướng về miền Tây Nghệ An. “Trước đây còn trẻ khỏe, không có con dốc, khe suối nào ở mảnh đất Tương Dương, Kỳ Sơn mà mình chưa đến. Mường Lống, Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải, Keng Đu và thậm chí là đỉnh Pu Xai Lai Leng (của huyện Kỳ Sơn), Nga My, Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông (của huyện Tương Dương) đều in dấu bánh xe của mình.
Giờ có tuổi rồi, chỉ rong ruổi buôn bán ở những vùng gần thị trấn, thị tứ, đường ít đèo dốc. Con ngựa bất kham cũng có lúc chồn chân mỏi gối mà chú”, anh Kiều tếu táo.
Nhận xong tiền hàng, anh Thái vội chia tay rồi thẳng tiến về phía Cổng trời Mường Lống. Anh nói như giục: “Phải đi thôi, không là nhỡ kế hoạch”. Tôi hiểu ý anh, bởi ở vùng biên giới này, mặt trời lên muộn nhưng xuống nhanh. Trời đang nắng đùng cái đã tối đen như mực.
“Đường nơi đây một bên vách núi dựng đứng, một bên vực thẳm. Không căn giờ để đi là nguy hiểm lắm. Ngày đầu mới vào “nghề”, có hôm mình vào Mường Típ, Mường Ải, mãi 4h chiều mới đi ra. Ngờ đâu, đi được một đoạn trời đã tối đen như mực.
Anh em ngoài thị trấn Mường Xén điện thoại hỏi về đến đâu rồi nhưng xung quanh bốn phía chỉ rừng là rừng, chẳng biết đường nào mà báo. Mò mẫm mãi đến hơn 21h đêm mới ra đến thị trấn. Mọi người bảo mình liều bởi sẩy chân một cái chỉ có nước chết”, anh Thái kể.
Anh Lương Văn Chôm kể lại vụ ngã xe gãy chân trong một lần đi bán hàng
Không những ngày ngắn đêm dài, thời tiết ở vùng biên giới Kỳ Sơn cũng thay đổi thất thường. Trời đang nắng chang chang nhưng tích tắc mưa rừng kéo về xối xả. Gần 20 năm lăn lộn ở vùng đất Tương Dương, Kỳ Sơn, anh Lê Văn Kiều không nhớ hết bao nhiêu lần vật lộn với bùn lầy trơn trượt.
Anh kể: “Có hôm đi vào trời còn nắng chang chang, chưa kịp quay ra thì mưa xối xả. Đường đất trơn trượt, con dốc thẳng đứng, xe lao lên thì lộn ngược, hàng hóa hư hỏng cả nhưng may mắn người chỉ bị xây xước nhẹ. Nhiều hôm đang ở trong rừng thì xe thủng lốp, hư hỏng…, lại phải dỡ toàn bộ hàng hóa xuống rồi tự khắc phục. Sửa xong, ngửa mặt lên thì trời đã nhá nhem tối. Thế là ngày đó không bán được đồng nào”.
Là người địa phương, đã quá quen với những con dốc, khe suối nhưng anh Lương Văn Chôm (43 tuổi, quê Hữu Lập, Kỳ Sơn) lại không được may mắn như anh Kiều. Tháng 12/2017, trong một lần leo lên con dốc ở bản Lưu Tân, xã Bảo Nam (Kỳ Sơn), anh Chôm không may ngã xe gãy chân.
“Chỗ xảy ra tai nạn dân thưa thớt, chân gãy, bị xe và hàng đè lên cứ nghĩ thôi chết chắc rồi. May sao, một lúc sau có người đi qua đỡ dậy rồi gọi diện cho người nhà vào đón đưa đi viện. Lần đó mình nằm viện 4 tháng rồi về nhà điều trị thêm 8 tháng nữa mới đi làm trở lại”, anh Chôm kể.
Xóa dần khoảng cách miền xuôi, miền ngược
Sau khi nhận tiền hàng, anh Hoàng Văn Thái vội vàng đi lên Cổng trời Mường Lống
Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng những “chợ di động” mang đến “luồng gió mới” cho đồng bào nơi biên cương Tổ quốc, đó là sự đa dạng về nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt.
“Trước đây, bà con chủ yếu sống biệt lập với bên ngoài, dựa vào thiên nhiên, tự cung tự cấp. Đồ ăn thức uống chủ yếu là rau dại, măng rừng, cá khe. “Chợ di động” đem đến cho bữa ăn của đồng bào nhiều sự lựa chọn hơn. Rau xanh có thêm súp lơ, cà rốt, khoai tây…; đồ ăn mặn thì có thêm cá biển, tôm, cua, ghẹ… chưa kể bánh kẹo, nước giải khát, sữa… Đồ sinh hoạt cá nhân cũng vậy, người dân không còn cảnh một năm hai bộ quần áo, đi chân đất nữa. Mùa nào thứ ấy, rồi giày lười, giày thể thao, váy… đủ các chủng loại và mẫu mã”, anh Chừ Chá Xia (41 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Phà Xắc, xã Huội Tụ, Kỳ Sơn) nói.
Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, “chợ di động” còn đem đến nhiều điều mới mẻ cho đời sống tinh thần của dân bản. Dù đã nhiều năm rồi nhưng anh Mong Văn Hội (40 tuổi, dân tộc Khơ Mú, ở bản Na Nhu, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) vẫn nhớ như in lần đầu con trai anh được thấy đèn ông sao điện tử.
“Lần đó nhà mình mới bán con bò thì đến gần Trung thu, thấy người bán hàng treo mấy cái đèn màu sắc sặc sỡ, có cả nhạc nên mua cho con trai một cái. Cứ đinh ninh trong đầu là con thích lắm, ai ngờ vừa thấy chiếc đèn, nó khóc rồi chạy trốn trong nhà. Vợ phải dỗ mãi nó mới chịu ra. Sau khi biết rồi thì nó mới dám chơi”, anh Hội kể.
Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn thừa nhận: Toàn xã có hơn 1.200 hộ với gần 5.700 nhân khẩu với 12 bản, trong đó có 8 bản người Thái, 3 bản người Mông và 1 bản người Khơ Mú.
Vì vị trí địa lý và điều kiện kinh tế khó khăn nên đến nay xã vẫn chưa có chợ. Ngoài thi thoảng đi chợ phiên trên huyện, người dân chủ yếu mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa nhỏ trong dân và các “chợ di động” từ dưới xuôi lên. “Chợ di động” không chỉ giúp đồng bào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần mà còn học được những cách buôn bán, làm ăn hiện đại.
“Bà con tiếp cận nhanh lắm! Một lần mua là xin số điện thoại, thậm chí là Facebook người bán. Lúc nào cần là điện thoại, nhắn tin đặt hàng như dưới thành phố. Đường sá vào bản đã bê tông cả rồi, ô tô đã vào được trung tâm xã và các bản gần nên hàng hóa ngày càng đa dạng, thời gian “ship” hàng cũng ngày một ngắn hơn”, ông Bảy phấn khởi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận