Showbiz

Chờ đợi gì từ dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam”?

16/08/2017, 08:15

“100 năm âm nhạc Việt Nam” là dự án âm nhạc dài hơi được Nhà hát Tuổi Trẻ kết hợp Đông Đô thực hiện.

17

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh

Dự án gồm 24 đêm nhạc, được giới thiệu là những đêm nhạc vinh danh tác giả - tác phẩm. Chương trình được thực hiện mỗi tháng 1 số tại sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Nguyễn Việt Thanh - Đạo diễn của chuỗi chương trình chỉ rõ những cái sẽ làm được trong các đêm nhạc sắp tới.

Áp lực lớn nhất là mang lại giá trị riêng biệt

Trong “100 năm âm nhạc Việt Nam” có rất nhiều nhạc sĩ tài ba. Dựa trên tiêu chí nào chương trình chọn ra các nhạc sĩ để vinh danh trong 24 đêm nhạc?

Khi quyết định thực hiện dự án này, chúng tôi hiểu đó là gia tài đồ sộ các tác phẩm âm nhạc. Chúng tôi không nói trước sẽ tái hiện hay phục dựng, làm tất cả các mảng trong chuỗi lịch sử âm nhạc dài như vậy. Dự án này không soi chiếu âm nhạc dưới các góc nhìn khác nhau mà chỉ tập trung làm những đêm nhạc tác giả - tác phẩm, tôn vinh các nhạc sĩ trong 100 năm qua.

Mọi người muốn nghe nhạc Phạm Duy, chúng tôi làm những đêm nhạc của Phạm Duy trước, muốn nghe Văn Cao sẽ làm Văn Cao trước. Chúng tôi sẽ góp phần định hướng cho khán giả để cân đối các tác giả với các phân khúc như nhạc: Tiền chiến, bolero, cách mạng… chứ không thể thiên lệch theo hướng nào cả.

Chị có gặp nhiều áp lực khi thực hiện dự án này?

Áp lực lớn nhất là làm sao để mang lại giá trị riêng biệt và đi đúng hướng mình mong muốn từ các khâu biên tập, dàn dựng, kịch bản, thể hiện. Vẫn là đêm nhạc Lam Phương nhưng có thể có rất nhiều nơi làm. Chúng tôi đặt tiêu chí thổi vào giá trị xưa cũ những nét đương đại, tinh tế. Làm sao để không quá lòe loẹt, hình thức, không dàn dựng bay bổng mà vẫn mang đậm giá trị văn học trong các tác phẩm khi được tái hiện, thể hiện sự tinh tế và gần gũi.

Tôi mong muốn sau khi thưởng thức đêm nhạc, khán giả sẽ có chút day dứt, suy tư về những câu chuyện âm nhạc, cuộc đời, thân phận của người nhạc sĩ.

Yếu tố khá quan trọng với một đêm nhạc hiện nay là “ngôi sao”. Nhưng hầu hết nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình là nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ - những tên tuổi chưa nhiều sức hút với sân khấu ca nhạc?

Nhà hát Tuổi Trẻ là nơi sản sinh ra rất nhiều “ngôi sao”, từ sân khấu kịch nói tới ca nhạc nhẹ. Các tài năng của nhà hát sẽ được đặt vào những vị trí xứng đáng trên sân khấu trong chuỗi chương trình này, để khi khán giả đến sẽ cảm nhận, nhìn thấy được những tài năng đó. Dĩ nhiên, chương trình vẫn có những “ngôi sao” là ca sĩ khách mời, dù không nhiều.

Việc của chúng tôi là chinh phục khán giả bằng sự tử tế trong nghệ thuật và khẳng định, không phải chỉ có ngôi sao mới tỏa sáng. Hơn nữa, mức vé 500.000 - 1,5 triệu đồng cũng là một cách để tạo nên giá trị khác biệt.

Đêm nhạc nghệ thuật chứ không phải của nhãn hàng

Với chuỗi chương trình này, chị mong muốn sáng tạo nghệ thuật và xây dựng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sang trọng hay chỉ là mô hình giải trí chi phí thấp và vẫn có tính thương mại?

Thật ra, nói tạo ra những giá trị mới mẻ hay đẳng cấp thì không phải, bởi chúng tôi chỉ muốn tạo ra cho khán giả một sân chơi, điểm đến quen thuộc với dòng nhạc trữ tình. Mong muốn trước mắt là như vậy và lâu dần có thể là sẽ tạo được phân khúc riêng biệt trong thị trường âm nhạc giải trí của Thủ đô. Tôi cũng mong muốn nhà hát sẽ sáng đèn thường xuyên với chuỗi chương trình được dàn dựng chu đáo, tạo được sự tin yêu của khán giả.

Chị sẽ làm gì để giữ “lửa” cho không chỉ riêng mình mà còn cả êkíp trong một khoảng thời gian dài như vậy?

Để thực hiện cả một chuỗi đêm nhạc, chúng tôi phải thăm dò, nghiên cứu thị trường từ trước đó để nắm bắt nhu cầu của khán giả. Áp lực sẽ luôn phải đối diện nhưng nếu mình bình tĩnh và luôn hiểu, nhìn nhận mọi vấn đề ở nhiều góc khác nhau sẽ đưa ra được những cách phù hợp với thị hiếu khán giả, để khán giả cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những tâm huyết đó của mình.

Tôi và mọi người trong êkíp đều có lòng tin và hào hứng sẽ làm được dự án này. Chương trình cũng có sự giúp đỡ của mạnh thường quân và may mắn là nhà tài trợ đã cho chúng tôi thỏa ý bay bổng với các sáng tạo nghệ thuật của mình, để không phải làm một đêm nhạc của nhãn hàng.

Với tư cách là một đạo diễn của nhiều chương trình ca nhạc lớn nhỏ, chị nhìn nhận thế nào về nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay với những đêm nhạc như trong dự án?

Âm nhạc có rất nhiều phân khúc. Có những khán giả chỉ thích nhạc cách mạng, có người chỉ thích nhạc trữ tình, nhạc trẻ, lại có những khán giả chỉ thích nhưng bản nhạc gắn với cuộc đời của mình. Tuy nhiên, khán giả của dòng nhạc tiền chiến, trữ tình đang là phân khúc lớn nhất hiện nay. Họ là những người yêu thích, sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé để thưởng thức âm nhạc.

Còn phân khúc khán giả nghe nhạc trẻ ồn ào trên mạng, gây tranh cãi trên truyền thông thì họ chỉ đến gặp thần tượng của mình trong những chương trình miễn phí. Với không gian của Nhà hát Tuổi Trẻ và dòng nhạc mình lựa chọn, chúng tôi chỉ nhắm vào phân khúc khán giả là những người trưởng thành, yêu thích nhạc tiền chiến mà thôi.

Cảm ơn chị!

Với dự án “100 năm âm nhạc Việt Nam”, chúng tôi sẽ làm cho khán giả có cảm giác mới mẻ từ không gian, thiết kế tổng thể của Nhà hát Tuổi trẻ. Sân khấu sẽ được thiết kế mang phong cách sang trọng. Thực tế, chúng tôi không chú trọng việc khoe mẽ về hình thức mà đi sâu vào thế giới nội tâm thông qua tác phẩm của mỗi tác giả, khai thác chiều sâu trong mỗi ca từ của ca khúc để nói lên tâm tư tình cảm của tác giả, nhằm mang đến những thông điệp tới khán giả. Với dự án này, chúng tôi muốn định hướng khán giả đến với nghệ thuật đích thực và để nhà hát trở thành một địa chỉ quen thuộc với những khán giả yêu ca nhạc.

Lực lượng biểu diễn chính là các diễn viên, ca sĩ Đoàn ca múa nhạc của nhà hát, cùng ban nhạc của nhạc sĩ Tường Văn. Dù vậy, chương trình vẫn có những khách mời là lực lượng ca sĩ đã trưởng thành từ nhà hát như: Thu Phương, Bằng Kiều, Ngọc Anh 3A, Kasim Hoàng Vũ…”.

NSƯT Cao Ngọc Ánh
Trưởng đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.