Tuy nhiên, ngoài những ưu thế sẵn có, khó khăn là điều được dự đoán trước với các VĐV.
Gánh phân nửa HCV toàn đoàn
Nguyễn Thị Oanh, niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32
Theo lịch, SEA Games 32 diễn ra từ 5-17/5 tại Campuchia. Tại kỳ đại hội này, Đoàn Thể thao Việt Nam (Đoàn TTVN) dự kiến tham dự 30 môn với 444 nội dung, đặt chỉ tiêu vào top 3 và giành từ 100 HCV. Con số này bằng khoảng 1/2 so với thành tích tại SEA Games 31.
SEA Games 31 tại Việt Nam là kỳ Đại hội tôi đánh giá công bằng, fair-play nhất từ trước tới nay khi chủ nhà không lạm dụng chút lợi thế nào để mang về huy chương. Nhưng năm nay, SEA Games sẽ trở lại với hình ảnh vốn có, là một ngày hội thể thao của vùng trũng. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện những tình huống dở khóc dở cười và người được lợi là VĐV chủ nhà.
Chuyên gia Đặng Việt Cường
Việc đưa ra đích ngắm như vậy là hợp lý bởi nước chủ nhà Campuchia đã loại rất nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam ở các môn như: Bắn cung, bắn súng, canoeing, rowing, futsal, kurash... Trong khi đó, ở các môn võ, chủ nhà lần này cũng khống chế số lượng các nội dung đăng ký thi đấu.
Giữa bối cảnh như vậy, điền kinh, bơi và vật được kỳ vọng sẽ tiếp tục là “mỏ vàng” của Đoàn TTVN. Tại SEA Games 31 trên sân nhà, điền kinh giành tới 22 HCV, nhiều nhất trong số các môn thi đấu của Đoàn TTVN. Vật xếp ngay sau với 17 HCV trong khi bơi về thứ 3 với 11 HCV.
Được biết, đội tuyển điền kinh Việt Nam dự SEA Games 32 với 59 VĐV, hướng tới giành từ 14-18 HCV. Điều này xuất phát từ việc mất 3 VĐV đoạt HCV vì doping khiến tuyển điền kinh tổn thất lực lượng.
Bên cạnh đó, VĐV Lò Thị Hoàng (HCV ném lao) lỡ hẹn do chấn thương dây chằng, VĐV Nguyễn Văn Lai (HCV chạy 5.000m, 1.000m nam) cũng vắng mặt vì chuyển sang thi đấu marathon. Đây là chưa kể tới nhiều quốc gia trong khu vực đang dùng chính sách nhập tịch VĐV gốc Phi để cạnh tranh huy chương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho hay, dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng các VĐV của đội tuyển đều rất quyết tâm hoàn thành con số đề ra. Bên cạnh lực lượng nòng cốt, ông Hùng tiết lộ, tuyển điền kinh sẽ trình làng một số gương mặt trẻ triển vọng như: Trần Thị Nhi Yến (100m, 200m), Bùi Thị Ngân, Nguyễn Thị Thu Hà (800m).
So với điền kinh, đội tuyển vật thuận lợi hơn khi lực lượng nòng cốt gần như không có xáo trộn. Quá trình chuẩn bị cũng diễn ra nghiêm túc ngay từ 1/1 và có màn sát hạch thông qua Giải các CLB vật toàn quốc hồi tháng 3.
Kết quả, những đô vật chủ lực đều duy trì được phong độ, giành kết quả tốt nhất. Đầu tháng 4, đội tuyển vật cũng dự Giải vô địch châu Á 2023 cùng nhiều tín hiệu lạc quan.
Mặc dù vậy, tuyển vật chỉ đăng ký chỉ tiêu 9 - 12 HCV, thấp hơn so với thành tích thu về tại SEA Games 31. Theo ông Tạ Tùng Đức, Phụ trách Bộ môn vật, Tổng cục TDTT, mục tiêu trên đã được tính toán cụ thể về các nội dung thi đấu và tương quan lực lượng các đoàn tại SEA Games 32.
Tại kỳ đại hội này, các đô vật Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn trước sự chuẩn bị kỹ càng của đội tuyển chủ nhà.
Giống tuyển vật, đội tuyển bơi lội vẫn quy tụ được những kình ngư xuất sắc nhất hiện tại như: Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Phạm Thanh Bảo, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Quang Thuấn…
Tuy nhiên, việc không có những kình ngư nữ đủ mạnh để tranh chấp HCV khiến tuyển bơi mất cân bằng. Chẳng nói đâu xa, tại SEA Games 31, cả 11 HCV đều nhờ công các VĐV nam. Cộng thêm việc nhiều quốc gia chuẩn bị lực lượng tốt hơn sau Covid-19, tuyển bơi chỉ đăng ký mục tiêu giành 8 - 10 HCV.
Tính tổng chỉ tiêu HCV của 3 đội tuyển trên đã là từ 31 - 40 HCV, chiếm gần phân nửa chỉ tiêu Đoàn TTVN đề ra.
Lo nhất… trọng tài
Vật được kỳ vọng sẽ mang về nhiều HCV cho Đoàn TTVN tại SEA Games 32
Chuyên gia Đặng Việt Cường đánh giá, kỳ SEA Games trên đất Campuchia chắc chắn sẽ không dễ dàng cho Đoàn TTVN và khó trông chờ cơn mưa HCV như đại hội tổ chức hồi tháng 5/2022 tại Việt Nam.
“Năm ngoái, có tới 20 môn chúng ta giành từ 5 HCV trở lên, trong đó 5 môn giành từ 10 HCV. Tuy nhiên, với việc Campuchia cắt giảm hàng loạt nội dung tiêu chuẩn, hạn chế đăng ký ở những nội dung còn lại, tôi cho rằng đa phần các môn thi đấu của Đoàn TTVN chỉ đạt dưới 5 HCV.
Điền kinh, vật, bơi là ba môn có khả năng cao nhất vượt 5 HCV và nếu tận dụng tốt sẽ hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra. Nhưng kịch bản này rất khó bởi điền kinh chưa đấu đã thấy mất 5-6 HCV, vật chỉ được đăng ký 70% nội dung còn bơi lội cơ bản chỉ có thể tin tưởng vào Huy Hoàng, Hưng Nguyên và Thanh Bảo. Tôi dự đoán điền kinh có thể giành 14 HCV, vật giành 9 - 10 HCV còn bơi có thể là 8 HCV”, ông Cường nói.
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu tin tưởng “bộ ba” điền kinh, vật, bơi sẽ tiếp tục tỏa sáng tại SEA Games 32 sắp khởi tranh: “Cần nhấn mạnh đây là ba môn Olympic thời gian qua được ngành thể thao quan tâm, đầu tư đúng hướng. Nhờ vậy, cả ba môn trên đều đã có được nền tảng vững chắc. Bằng chứng chính là việc các VĐV của chúng ta thống trị ở nhiều nội dung. Đặc biệt, điền kinh đã vượt xa kình địch Thái Lan ở 3 kỳ SEA Games gần nhất.
Tuyển bơi Việt Nam nhận nhiều kỳ vọng tại SEA Games 32
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc, cả ba môn này Việt Nam đều sở hữu những VĐV xuất chúng, đẳng cấp hàng đầu khu vực, tiêu biểu như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) hay Cấn Tất Dự (vật). Chính bởi vậy, điền kinh, vật hay bơi lội được kỳ vọng là những mỏ vàng cũng dễ hiểu”.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Lưu, việc thi đấu tại Campuchia, quốc gia gần Việt Nam về vị trí địa lý, điều kiện thời tiết giúp Đoàn TTVN nói chung gặp nhiều thuận lợi. Dù vậy, nhìn tổng thể, nhà báo Nguyễn Lưu vẫn lo lắng về công tác tổ chức của nước chủ nhà: “Họ triệt để loại những môn, nội dung thế mạnh của các đoàn khác trong khi đưa vào nhiều nội dung họ chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ điều này có thể thấy rất khó để trông chờ vào một kỳ SEA Games công bằng”.
Chung quan điểm, chuyên gia Đặng Việt Cường cho biết, ông đặc biệt ái ngại trọng tài tại SEA Games 32. “Theo tôi được biết, ngoài số lượng trọng tài trung lập bắt buộc, Campuchia bố trí tối đa trọng tài của họ làm nhiệm vụ.
Một nguồn tin không chính thức cho hay, Campuchia thậm chí còn tuyên bố sẽ giành 40% HCV môn vovinam, vốn là môn Việt Nam thống trị tuyệt đối ở khu vực. Trong thi đấu, đặc biệt là những môn như võ, vật, sự khách quan của trọng tài đóng vai trò quyết định. Campuchia cho thấy quyết tâm giành thứ hạng cao và sẽ không bất ngờ nếu xảy ra tình trạng xử ép”, ông Cường bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận