Khách hàng đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 53 trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa |
Chiều 19/11, giá dầu thô giao tháng 12 trên thị trường châu Á tiếp tục giảm 0,33 USD/thùng (0,44%) so với phiên trước, còn 74,28 USD/thùng. Như vậy so với mức giá 103,92 USD/thùng vào ngày 7/7, thời điểm dầu thô bắt đầu chuỗi giảm giá liên tục, đến nay giá dầu thô thế giới đã giảm 28,52%.
Chuỗi giảm giá mạnh của dầu thô được các chuyên gia nhận định xuất phát từ lo ngại nhu cầu mặt hàng này sẽ giảm khi kinh tế Nhật đang có dấu hiệu suy thoái trở lại.
Theo AFP, GDP Nhật sụt giảm 0,4% trong quý III/2014, thay vì tăng trưởng 0,5% như dự báo do Chính phủ Nhật tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% hồi tháng 4/2014.
Theo đà giảm của dầu thô, giá xăng A92 nhập từ Singapore hiện còn 85,43 USD/thùng, tương đương 11.415,38 đồng/lít. Mức giá này đã kéo giá cơ sở của xăng A92 tại VN xuống mức 20.631 đồng/lít, theo số liệu của Công ty Nhiên liệu Sài Gòn.
Như vậy, doanh nghiệp (DN) đang được lãi từ chênh lệch là 759 đồng/lít so với giá bán lẻ 21.390 đồng/lít hiện tại. Cộng với khoản lãi định mức 300 đồng/lít, hiện DN đang thực lãi 1.059 đồng/lít xăng bán ra.
Đó là chưa kể DN có thể được hưởng lợi từ chi phí định mức 1.050 đồng/lít, con số mà theo TS Ngô Trí Long là các cơ quan chức năng chưa có điều tra khảo sát cụ thể thế nào, chỉ dựa trên báo cáo của chính DN để cho phép. “Với lượng xăng dầu bán ra toàn quốc khoảng 38 triệu lít/ngày, khoản lãi cho DN xăng dầu lớn tới mức nào” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, dù Bộ Tài chính từng nói quan điểm sẽ để giá xăng dầu trong nước lên xuống nhịp nhàng theo giá quốc tế, nhưng diễn biến giá xăng trong nước thực tế không cùng nhịp với thế giới.
Cụ thể, so với mức giá ngày 7/7, đến nay giá xăng VN mới giảm được 16,58%, thấp hơn nhiều so với mức giảm tới 30,55% của xăng A92 tại Singapore, thị trường chính cung cấp xăng dầu thành phẩm cho VN.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng cạnh tranh của DN trong nước còn yếu và người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, việc xăng dầu vẫn găm giá dù đang lãi lớn là chưa quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung” - ông Long nói.
Theo ông Long, cần phải thay đổi cách điều hành giá xăng dầu, không để lợi ích nghiêng về một phía, mà ở đó DN kinh doanh xăng dầu với việc đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu thông qua chênh lệch giá mua bán sẽ không dại gì từ bỏ lợi thế của mình một cách tự nguyện.
Theo Hồng Quý/Tuổi trẻ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận