Theo báo VietnamNet, trong quá trình giảng dạy, thầy Phạm Quốc Đạt, giáo viên Ngữ Văn trường THPT Võ Trường Toản, TP.HCM đã cho học sinh sân khấu hóa hai tác phẩm "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng và "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Trong tác phẩm "Bỉ vỏ" có phân đoạn nhân Tám Bính bị hãm hiếp còn trong tác phẩm "Số đỏ" có phân đoạn cô Tuyết và Xuân tóc đỏ ân ái với nhau. Hai phân đoạn nhạy cảm này khi sân khấu hóa tác phẩm đều được học sinh thể hiện.
Lãnh đạo nhà trường cho rằng, việc đưa những cảnh nhạy cảm này là vượt quá giới hạn sáng tạo, quá táo bạo, không đúng với lứa tuổi của học sinh khi các em chưa đủ 18 tuổi.
Kết quả, giáo viên này bị đình chỉ dạy 1 năm và chuyển sang làm công tác thư viện khi có 51,92% ý kiến của Hội đồng sư phạm nhà trường đồng ý với biện pháp kỷ luật này.
Sau khi bị kỷ luật, ông Phạm Quốc Đạt có trao đổi với Báo Thanh Niên cho biết do cách nghĩ, cái nhìn và quan điểm cá nhân của mỗi người, sẽ có cách đánh giá khác nhau về vấn đề này. Học sinh tái hiện các cảnh này bằng chiếu bóng (đứng sau tấm màn, diễn tả hành động). Vì vậy, người thầy đứng cùng các em khi diễn, sau tấm màn thấy hoàn toàn trong sáng, rất bình thường, hoàn toàn không có đụng chạm xác thịt. Nhưng có thể người khác xem sẽ có suy nghĩ khác.
Ông Phạm Quốc Đạt chia sẻ: “Vả lại, khi bóc tách một chi tiết ra khỏi vở kịch dài 15 phút, sự việc có thể bị bẻ cong theo hướng suy nghĩ khác. Đối với một tình hình, một trường hợp cụ thể thì vai trò của bối cảnh rất quan trọng. Nó quyết định đến nội dung ý nghĩa và cả dụng ý của người truyền tải thông tin".
Trả lời PV VTV24h, các em học sinh trực tiếp tham gia các vở kịch này cho rằng việc sân khấu hóa các trường đoạn quan trọng như thế này là rất cần thiết, nếu cắt đi thì sẽ không lột tả được hết số phận của nhân vật. Các em cho rằng, trong quá trình diễn cũng không có việc dung tục hay đụng chạm giữa học sinh nam và học sinh nữ. Đồng thời các em đều thấy rất bình thường và hào hứng vì không nhàm chán như cách giảng dạy cũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận