Ảnh minh họa
Hỏi:
Tháng trước, tôi có cho người cháu mượn xe ô tô để về quê. Trên đường về quê, cháu tôi điều khiển xe gây tai nạn với 2 người đi xe máy khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương. Cháu tôi đã có giấy phép lái xe. Hiện ô tô của tôi đang bị tạm giữ. Vậy tôi có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này và tôi có được quyền lấy xe ra?
Trần Thủy (Quận Ba Đình, Hà Nội)
Trả lời:
Theo quy định, phương tiện giao thông vận tải cơ giới (trong đó có ô tô) là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (ở trường hợp này là ô tô) phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu ô tô phải bồi thường thiệt hại gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Với trường hợp bạn cho mượn xe, để có căn cứ xác định trách nhiệm các bên thì phải xác định được tai nạn xảy ra do lỗi cố hữu của xe (lỗi kỹ thuật) hay lỗi vi phạm giao thông của người lái xe.
Nếu tai nạn xảy ra do lỗi cố hữu của xe, trường hợp cháu bạn không có lỗi (tuân thủ đúng luật) mà xảy ra sự cố nổ lốp xe, đứt dây phanh... gây tai nạn thì thiệt hại đó được coi là do chiếc xe gây ra. Đối với trường hợp này, chính bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu chứng minh được việc cháu có mượn xe, có nhận bàn giao xe thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về cháu bạn.
Nếu tai nạn xảy ra do lỗi của người lái xe, cụ thể là cháu bạn vi phạm Luật GTĐB thì cháu bạn phải bồi thường, phải chịu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ, hậu quả của vụ tai nạn. Và việc này không liên quan đến chủ xe.
Về việc lấy xe ra, thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn là 7 ngày kể từ ngày tạm giữ. Nếu trong vòng 7 ngày mà vụ việc chưa được giải quyết, còn nhiều vấn đề vướng mắc cần xác minh, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn tạm giữ được gia hạn thêm nhưng không kéo dài quá 30 ngày, tính từ ngày tạm giữ phương tiện.
Nếu vụ việc tai nạn thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh và thuộc trường hợp phải giải trình thì thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa, tổng thời hạn không quá 60 ngày.
Tuy nhiên, nếu vụ tai nạn có dấu hiệu của tội phạm, tức có liên quan đến hình sự thì vụ việc sẽ được đơn vị CSGT chuyển cho cảnh sát điều tra. Lúc này, phương tiện giao thông sẽ được coi là vật chứng của vụ án và thời hạn tạm giữ phương tiện phụ thuộc vào thời hạn điều tra giải quyết vụ án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận