Chó ngao Tây Tạng hoang tại khu trú ngụ được xây dựng tại Maozhuang |
Một thời, chó ngao Tây Tạng được coi là “thần khuyển” và thời thượng bậc nhất thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhưng vài năm trở lại đây, loại chó này bị bỏ hoang không ai nuôi đã đặt ra nhiều vấn đề đáng ngại với người nuôi và chính quyền địa phương.
“Thần khuyển” cũng bị vứt bỏ
Chó ngao Tây Tạng có vóc dáng to lớn, thể trọng lên tới 80kg, sở hữu bờm như sư tử và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các loại chó hung dữ nhất thế giới.
Loại chó ngao này có từ rất lâu đời và chủ yếu sinh sống trên đỉnh núi Himalaya - cao nguyên Tây Tạng. Tại đây, người ta nuôi và huấn luyện những con chó ngao trưởng thành để trở thành trợ thủ đắc lực giúp canh giữ nhà, chăn dắt gia súc. Để chăm sóc một con chó ngao Tây Tạng trưởng thành, người chủ có thể mất khoảng vài nghìn nhân dân tệ (tương đương vài trăm USD) mỗi tháng.
Nổi tiếng với lòng trung thành và vóc dáng đồ sộ, mạnh mẽ như “sư tử núi tuyết” nên cách đây nhiều năm, chó ngao Tây Tạng là một trong những loài thú cưng được rất nhiều đại gia Trung Quốc ưa chuộng, với giá bán cao đến mức “cắt cổ”. Một thương nhân ở tỉnh Thanh Hải từng bán một con chó ngao với giá hơn 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 7 tỉ VND). Có lần, một con chó cùng giống này được bán với giá 1,47 triệu USD (tương đương 31 tỉ VND) tại một hội chợ vật nuôi ở tỉnh Chiết Giang năm 2014.
Vì hấp dẫn bởi giá bán cao, lãi suất ngất ngưởng, nhiều người đổ xô nuôi và kinh doanh loại chó này dẫn đến cung vượt quá cầu. Hơn nữa, nhiều khu nuôi chó ngao Tạng muốn “ăn xổi” nên lai tạo nhiều, dẫn đến các giống chó kém chất lượng khiến người chơi chó ngao Tây Tạng mất niềm tin. Mặt khác, sau năm 2012, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rốt ráo phát động chiến dịch chống tham nhũng, nghiêm cấm tặng những món quà xa xỉ nên giới nhà giàu, doanh nghiệp cũng ngại mua để tặng quan chức vì dễ bị để ý.
Tính đến năm 2015, khoảng 1/3 cơ sở nuôi chó ngao Tây Tạng phải đóng cửa. Thương mại hàng năm trong ngành này tại tỉnh Thanh Hải giảm xuống 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 29 triệu USD), theo China Dialogue.
Vì đóng cửa kinh doanh nên nhiều người nuôi cứ thế thả chó ra đường để chúng đi lang thang. Một vài thống kê gần đây cho thấy, ít nhất 500 chú “thần khuyển” bị vứt bỏ. Ông Jiang Hong, người đứng đầu Tổ chức Bảo vệ động vật cho biết: “Sụt giá chỉ là một trong những lý do dẫn đến tình trạng chó ngao bị bỏ hoang. Một lý do khác là tỉ lệ sinh nở quá mạnh. Chính quyền một số địa phương phải xây nơi nhốt hàng nghìn con chó nhưng sau vài tháng số lượng này tăng vọt”.
Tiêu hủy không được, nuôi cũng không xong
Hàng trăm chú chó ngao Tây Tạng lang thang không chỉ tiềm ẩn rủi ro về bệnh tật, mà còn nguy hiểm đối với gia súc và thậm chí là con người. Theo trang Shanghaiist, đã có rất nhiều người dân thương vong vì bị chó ngao tấn công; Trong đó có bé gái 8 tuổi thiệt mạng thương tâm trong một vụ tấn công hồi tháng 11 năm ngoái. Còn bình thường, ngày nào cũng xảy ra vụ hàng đàn chó ngao hoang đuổi theo người gây hoang mang cho người dân địa phương. Vấn nạn này khiến giới chức tại khu tự trị Tây Tạng nói chung và tỉnh Thanh Hải nói riêng phải đau đầu tìm phương án quản lý. Đã có nơi nghĩ đến chuyện xây nơi trú ngụ dành cho chó ngao hoang nhưng phương án này khá đắt đỏ.
Thực tế, tại Maozhuang, tỉnh Thanh Hải, Tây Tạng, quan chức địa phương đã gây quỹ khoảng 200.000 nhân dân tệ để xây khu trú ngụ cho chó ngao hoang vào năm 2015, nhưng đến nay phải rất chật vật mới có thể duy trì. Dù nơi đây thường xuyên nhận được quyên góp thức ăn thừa từ các nhà hàng địa phương, họ vẫn cần chi 20.000 nhân dân tệ/tháng vào tiền thức ăn. Không chỉ vậy, còn nhiều chi phí khác như tiền lương trả nhân viên. Hai năm trước, đã có 6 nhân viên tại đây nghỉ việc vì áp lực khi phải chăm sóc quá nhiều chó một lúc.
Nhiều quan chức đề xuất biện pháp đơn giản là tiêu hủy nhưng ý tưởng này vấp phải phản đối kịch liệt bởi phần lớn dân số Tây Tạng theo đạo Phật. Hành vi sát hại động vật là tội ác. Năm 2015, từng xảy ra sự việc 20 con chó ngao Tây Tạng bị đưa đến một lò mổ ở Đông Bắc Trung Quốc nhưng đã được cứu thoát.
Một số ý kiến khác cho rằng, nên triệt sản để chó ngao Tây Tạng không sinh sản thêm, nhưng thực tế chưa rõ những nỗ lực này có thể kéo dài bao lâu. Tương lai “vua của các loài chó” chưa biết sẽ ra sao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận