Cân nhắc kỹ cho thuê hạ tầng và tài sản khu bay để hiệu quả |
Đề xuất thuê hơn 45 tỷ đồng/năm
Vấn đề cho thuê kết cấu hạ tầng và tài sản khu bay của 22 cảng hàng không (CHK) trên cả nước được đặt ra sau khi ACV đã hoàn tất cổ phần hoá (CPH), chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP). Trước đó, trong phương án CPH ACV, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (khoảng 1.914,5 tỷ đồng) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để CPH.
Hai phương án được ACV đưa ra là thuê lại tài sản của Nhà nước trên cơ sở vận dụng Nghị định 102 của Chính phủ về quản lý, khai thác CHK, sân bay (Phương án thuê vận hành tài sản) hoặc Nhà nước thuê ACV vận hành - quản lý tài sản của Nhà nước dưới hình thức hợp đồng O&M theo Nghị định 15.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu thành lập ngay Tổ nghiên cứu về cho thuê kết cấu hạ tầng và tài sản khu bay. Tổ công tác cần nghiên cứu kỹ càng các vấn đề đặt ra liên quan đến việc cho thuê tài sản. Chúng ta phải xem xét, cân nhắc kỹ các phương án đưa ra, đảm bảo cho thuê như thế nào để Nhà nước không phải bù lỗ. Việc định giá cho thuê là vấn đề hết sức quan trọng, cần làm rõ định giá theo giá sổ sách hay định giá cho thuê theo giá thị trường. Nếu cần thiết, có thể thuê một đơn vị của Bộ Tài chính đánh giá lại tài sản. Cũng vì đây là vấn đề mới và rất khó khăn, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo các phương án. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng cho thực hiện thí điểm trước. |
Theo Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng, phương án 1 có tính kế thừa cao từ phương án CPH công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phương án này cũng tương tự như các giao dịch tiền lệ trong lĩnh vực cho thuê cảng biển, cảng cạn. Theo đó, Nhà nước sẽ có nguồn thu từ phí thu cố định.
Với phương án 2, ông Hùng cho rằng, ngoài việc không phù hợp với chủ trương về CPH ACV, khả năng thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước không chắc chắn do nhà nước không thu được phí cố định. “Bên cạnh đó, việc thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M chưa đảm bảo mục tiêu cốt lõi của hoạt động khai thác khu bay là an ninh, an toàn, hoạt động thường xuyên, liên tục của cảng hàng không”, ông Hùng cho biết thêm.
Từ đây, ACV đề xuất lựa chọn phương án 1 - ACV thuê lại tài sản khu bay của Nhà nước theo hình thức thuê tài sản hoạt động phù hợp với phương án CPH đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cụ thể, doanh nghiệp này mong muốn thuê lại khu bay của 22 cảng hàng không trong khoảng thời gian 50 năm kể từ ngày bàn giao tài sản và hợp đồng thuê, đồng thời được tiếp tục thuê khi hết thời hạn. Mức giá cho thuê được xác định trên cơ sở giá trị còn lại của tài sản cho thuê, theo tính toán của ACV khoảng hơn 45,7 tỷ đồng/năm.
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo của ACV là hoạt động khu bay chưa bảo đảm doanh thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Năm 2014, tính riêng hoạt động khu bay lỗ 140 tỷ đồng. Sang năm 2015, con số này là hơn 170 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, tình hình cũng sẽ không khả quan hơn. “Hiện tại, ACV đang phải dùng những nguồn lợi nhuận khác để cân đối cho chi phí phát sinh từ hoạt động khu bay vì đây là hoạt động bắt buộc nằm trong chuỗi dịch vụ cung cấp đối với một cảng hàng không nhằm đảm bảo sự liên tục, ổn định và an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay”, ông Hùng cho biết.
Cần cân nhắc kỹ các phương án cho thuê kết cấu hạ tầng và tài sản khu bay sao cho Nhà nước không phải bù lỗ - Ảnh: Tạ Tôn |
Cần minh bạch trong định giá tài sản
Cơ bản đồng ý với ACV trong việc lựa chọn phương án 1, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đào Thanh Thảo cho rằng, phương án O&M là không đủ cơ sở, không rõ ai sẽ là người quản lý, hạch toán tài sản.
Tuy nhiên, ngay cả khi lựa chọn phương án 1, bà Thảo cũng cho rằng, vấn đề quan trọng là việc xác định giá trị tài sản cho thuê. “Không thể căn cứ vào giá trị còn lại trong sổ sách cho thuê như đề xuất của ACV được. Mang tài sản cho thuê, chúng ta phải đánh giá tài sản, đảm bảo khách quan. Giá trị tài sản cho thuê liên quan chặt chẽ đến giá cho thuê”, bà Thảo nói và cho biết thêm, phương án cho thuê tài sản mà ACV đề xuất cũng chưa đề cập đến quyền lợi của các đơn vị khác hoạt động trong khu bay khi sử dụng tài sản mà ACV sẽ thuê lại. Đó là chưa nói đến việc đầu tư bổ sung thực hiện theo hình thức như thế nào về tăng giảm tài sản.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Thê, Trưởng phòng Tài chính Cục Hàng không VN cũng cho rằng, giá trị tài sản cố định của khu bay còn lại rất ít. Tuy nhiên, căn cứ vào đấy mà tính giá cho thuê 45 tỷ một năm cho 21 cảng là không ổn.
Cũng như vậy, bà Lê Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) băn khoăn, trước đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu bay do ACV đảm nhiệm. Giờ cho thuê 45 tỷ đồng/năm thì nguồn đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng nâng cấp sẽ lấy ở đâu?
“Việc đầu tư để duy trì cơ sở hạ tầng này đòi hỏi vốn ngân sách không nhỏ. Đầu tư nâng cấp mở rộng theo quy hoạch không có. Theo bất cứ phương án nào mà tư vấn đề ra, hoạt động cơ sở hạ tầng hàng không không được duy trì như hiện tại”, bà Hà nói và nhấn mạnh thêm, việc định nguyên giá tài sản khu bay để cho thuê không phù hợp. Căn cứ vào đó làm giá thuê 45 tỷ càng không hợp lý.
Phía Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, theo Luật Quản lý tài sản, việc xác định giá trị tài sản cho thuê đều phải xác định theo cơ chế thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận