Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc họp thống nhất giữa 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5% cho các chủ đầu tư bất động sản (BĐS) thuộc lĩnh vực nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, đồng thời lãi suất giảm 2% cho người mua nhà.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo chiều nay (31/3)
"Mỗi người chỉ được vay 1 lần để đảm bảo sự công bằng và tránh trục lợi. Chậm lắm chỉ 1-2 ngày nữa chúng tôi sẽ có sự thống nhất để triển khai với các Bộ, ngành liên quan", Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trên cơ sở đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với BĐS, các khó khăn, vướng mắc trong tín dụng nói chung và tín dụng BĐS nói riêng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD): Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao; Kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS...
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, đối tượng vay gói 120 nghìn tỷ là người mua nhà, chủ đầu tư các dự án NOXH, nhà ở cho công nhân. Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại.
Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng, nhưng không quá thời hạn 31/12/2023. Lãi suất cho vay dự kiến từ 8,2-8,7%/năm, thời gian áp dụng 3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho người mua nhà.
Trước đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn.
Về nguồn vốn tín dụng, Chính phủ yêu cầu điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận