Tọa đàm về phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do báo Đầu Tư tổ chức. |
Ngày 12/7/2017, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức “Tọa đàm về phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” với sự tham gia của đại diện Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, Viện chiến lược Ngân hàng, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, các Chuyên gia kinh tế và các Công ty tài chính (CTTC) cùng gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về thực trạng, tiềm năng và vai trò của tài chính tiêu dùng trong sự phát triển chung của nền kinh tế; Giải thích căn nguyên lãi suất và các lưu ý khi sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng; Nỗ lực để mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng một cách toàn diện và giải pháp phát triển;…
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; Nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng.
T.S Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Còn theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.
Tuy nhiên, với mức tăng trưởng liên tục 20% - 30%/năm từ năm 2010, con số 1 triệu tỷ có thể sẽ còn sớm đạt được hơn dự báo.
Bên cạnh đó, cũng còn có ý kiến cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn khi thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại chiếm 87,6% phục vụ cho gần 40% nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương gần 20 triệu khách hàng) với các gói tín dụng có giá trị cao.
Trong khi đó, thị phần cho vay tiêu dùng tín chấp tại nhóm các công ty tài chính chỉ chiếm 12,4% nhưng lại đang phục vụ cho hơn 60% nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương hơn 30 triệu khách hàng) với các khoản vay có giá trị thấp dưới 100 triệu đồng. Đây là những người có thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhập nên không đápứng được yêu cầu của ngân hàng.
Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị FE Credit |
“Nếu không có tài chính tiêu dùng, những nhóm khách hàng này chỉ có cách tìm đến tín dụng “đen” với lãi suất cắt cổ và rất nhiều hệ lụy kèm theo”, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị FE Credit cho biết.
Ông Hùng cũng khẳng định, đây là phân khúc khách hàng rất lớn mà FE Credit sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh việc bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng vào sự tăng trưởng và phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tăng trưởng phải song hành với phát triển bền vững
Cụ thể, ông Nguyễn Tú Anh Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đặc biệt lưu ý việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro vỡ nợ, đồng thời khuyến cáo các CTTC cần nâng cao quy trình thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay và trả và các yếu tố khác của khách hàng để tránh những xung đột xã hội.
T.S Cấn Văn Lực cũng cho rằng, muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước… không chỉ cần hoàn hiện hành lang pháp lý mà còn phải tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình và tìm hiểu kỹ lưỡng về lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,... Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng còn cho rằng - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình học đường như một môn học chính thức. Hiện đã có một số trường tư làm được việc này trong khi các trường công chưa làm được. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tài chính tiêu dùng, hay nói đơn giản hơn là việc chi tiêu cá nhân là một trong những bài học cơ bản của các em học sinh, giúp các bạn trẻ có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận