Thay vì cạnh tranh địa chính trị, chương trình nghiên cứu không gian của Trung Quốc là để khai thác tài nguyên chung của nhân loại |
Không giống cuộc chạy đua không gian của Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh ở thế kỷ trước, “ai đến trước người đó thắng”, tham vọng vũ trụ của Trung Quốc hiện nay lại rất đặc biệt, tập trung vào ba lĩnh vực theo kiểu “ai đến trước được trước”, theo Diplomat.
Khai thác năng lượng mặt trời
Với Chương trình Khai thác năng lượng mặt trời (SBSP), Trung Quốc tham vọng khai thác năng lượng mặt trời trong vũ trụ, nơi mà những tia sáng mặt trời là vô tận để truyền năng lượng vệ tinh cho các trạm tiếp nhận dưới đất bằng cách sử dụng công nghệ vi sóng. Đây là năng lượng sạch, tái tạo, liên tục và không mất đi.
Theo Viện Hàn lâm Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST), đến năm 2020, Bắc Kinh sẽ hoàn thành thử nghiệm và xây dựng các trạm truyền không dây quy mô công nghiệp trong quỹ đạo. Năm 2025, sẽ thu được 100kW đầu tiên từ quỹ đạo tầng thấp của Trái đất (LEO) và cuối cùng đến năm 2050, hệ thống SBSP đi vào hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh của Trái đất (GEO) để sản xuất điện thương mại.
Để xây dựng một trạm SBSP, Trung Quốc cần giải quyết nhiều rào cản công nghệ, như sự khác biệt giữa trọng lượng của trạm (10.000 tấn) so với phụ tải mà các tên lửa hiện tại có thể đưa vào vũ trụ (100 tấn). Vấn đề truyền tải năng lượng từ không gian thông qua công nghệ vi sóng; Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Trung Quốc cũng không giấu diếm, phát triển chương trình SBSP là dự án dài hơi, tạo ra dòng chảy năng lượng liên tục cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, Trung Quốc cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng không gian năng lượng mặt trời trên quỹ đạo, cách mặt đất chừng 22.000 dặm (trên 35.000 km).
Mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc hiện đã tăng từ 18 nghìn triệu triệu Btu trong năm 1980 lên 37,1 nghìn triệu triệu Btu vào năm 1996. Dự báo sẽ tăng trên ngưỡng 98,3 nghìn triệu triệu Btu vào năm 2020. Để Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, cả Sức mua tương đương (PPP), Thị trường tỷ giá (MER) và nhu cầu năng lượng sẽ rất lớn.
Theo Trung tướng Trương Ngọc Lâm, Phó giám đốc Cục Phát triển vũ khí Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nước này sẽ phát triển công nghệ vũ trụ để khai thác tài nguyên không gian Trái đất - mặt trăng sau khi xây dựng xong trạm không gian vào năm 2020. “Không gian Trái đất - mặt trăng sẽ là chiến lược quan trọng cho mục tiêu trẻ hóa dân tộc Trung Hoa”, tướng Lâm khoe với báo giới.
Khai thác tài nguyên không gian
Theo Cơ quan nghiên cứu Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CNSA), chương trình tiếp theo là khai thác khoáng sản như titan, helium-3 và nước từ phía bên kia mặt trăng.
Tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 1, được phóng đi năm 2007 với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho việc thăm dò mặt trăng, phân tích sự phân bố các nguồn tài nguyên cũng như thu được hình ảnh ba chiều về mặt trăng. Hằng Nga 2 phóng năm 2010, hiện đã đạt đến quỹ đạo cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km. Hằng Nga 3, phóng năm 2013, lần đầu tiên mang theo robot khám phá mặt trăng. Dự kiến đến năm 2017, Trung Quốc lên kế hoạch phóng Hằng Nga 5, với nhiệm vụ mang được 2 kg đất và đá từ mặt trăng trở lại Trái đất để nghiên cứu phục vụ cho công tác nghiên cứu, khai thác.
Các tiểu hành tinh giàu tài nguyên là mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc. Ví dụ, tiểu hành tinh Asteroid Ryugu được hình thành từ hàng tấn niken, sắt, coban, vàng...., có giá trị ước khoảng 95 tỷ USD. Tháng 7/2015, các nhà khoa học phát hiện thấy một thiên thạch giàu bạch kim trị giá 54 nghìn tỷ USD bay cách Trái đất 1,5 triệu dặm.
Trong khi Hiệp ước Thượng tầng không gian (OST) ra đời năm 1967 nghiêm cấm mọi quốc gia chiếm đoạt lãnh thổ không gian làm của riêng. Thì Trung Quốc lại vi phạm hiệp ước này khi các nhà khoa học Đại học Thanh Hoa mới đây công bố, Trung Quốc sẽ tìm cách di chuyển một tiểu hành tinh vào quỹ đạo Trái đất để khai thác hay còn gọi là dự án “bắt sống” các tiểu hành tinh gần Trái đất (NEO) phục vụ mục tiêu khai khoáng.
Xây trạm vũ trụ riêng
Do bị cấm tham gia Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) bởi Mỹ, nên Trung Quốc đã đầu tư mạnh, phát triển các trạm vũ trụ riêng. Tiangong 1 (hay Heavenly Palace) đã được đưa vào vũ trụ năm 2011. Tiangong 2 sẽ ra mắt vào tháng 9/2016 và Tiangong 3 dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2020. Các trạm không gian quỹ đạo Tiangong này, bao gồm một mô-đun lõi 20 tấn cũng như hai mô-đun nghiên cứu, sẽ hỗ trợ ba phi hành gia làm việc trên quỹ đạo.
Với việc ISS dự kiến sẽ nghỉ hưu vào năm 2025, các trạm Tiangong này sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất của Trái đất. Trong khi ngân sách của NASA (Mỹ) bắt đầu giảm, chương trình tàu con thoi Apollo đã nghỉ hưu, mọi việc dần chuyển sang cho tư nhân thì Trung Quốc lại đổ tiền vào chương trình không gian một cách chính thức và có ý đồ cụ thể.
Để tạo ra nguồn lực và thiết lập một sự hiện diện không gian vĩnh viễn, sự mơ hồ luật pháp không gian quốc tế liên quan đến quyền sở hữu tài sản trong không gian của Trung Quốc được dựa trên quan điểm “ai đến trước được trước” đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên vi phạm Hiệp ước OST dấy lên lo ngại toàn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận