Các bác sĩ Khoa Nhi và Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vừa tiếp nhận và điều trị bảo tồn thành công một trường hợp chấn thương thận nặng sau tai nạn sinh hoạt cho trường hợp bé trai P.N.H. (5 tuổi, quê ở Sóc Trăng).
Theo lời kể của người trực tiếp chăm sóc bé P.N.H., trước đó 1 ngày, trong lúc đang chơi đùa cùng anh trai thì bé vấp chân ngã có va đập vùng bụng vào 1 viên gạch (loại gạch ống dùng trong xây dựng).
Bác sĩ đang khám cho cháu bé.
Sau khi té, bé kêu đau vùng bụng nhưng vẫn sinh hoạt bình thường. Bà có đưa bé đến trạm y tế khám và được cho về theo dõi. Khoảng 12h tiếp theo, bé đi tiểu ra màu đỏ, bà nghi ngờ tiểu máu nên nhanh chóng cho trẻ đến khám tại trạm y tế và được giới thiệu lên tuyến cao hơn tầm soát.
Gia đình quyết định đưa bé lên TP Cần Thơ khám. Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, sau khi được thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng (bao gồm MSCT bụng), bé được phát hiện tình trạng thiếu máu và ghi nhận thận trái bị chấn thương độ IV (độ nặng), vỡ nhu mô cực dưới thận làm đôi có tụ dịch quanh thận.
Nhận thấy đây là tình trạng bệnh nặng phức tạp có liên quan đến cả 2 chuyên khoa Ngoại niệu và Nội nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn để đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Sau khi thống nhất, các bác sĩ đã quyết định lên kế hoạch điều trị bảo tồn thận, cho bé hạn chế tối đa vận động, truyền dịch và theo dõi sát tình trạng mất máu để can thiệp kịp thời, song song đó là điều trị phòng ngừa nhiễm trùng.
Với những cố gắng nhằm giữ lại quả thận cho bé thì sau hơn 1 tuần điều trị và theo dõi tích cực, tình trạng lâm sàng và cận lâm sàng của bé đã ổn và được cho xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi tái khám ngoại trú.
Cháu bé được xuất viện và sức khỏe ổn định.
Theo Ths.BS Nguyễn Đức Duy, Phó trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thì chấn thương thận là tình trạng thận bị tổn thương do lực tác động từ bên ngoài. Chủ yếu là do các tai nạn: tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ẩu đả...
Chấn thương thận ở trẻ em có tỷ lệ cao nhất trong các chấn thương thuộc hệ tiết niệu. Tuy nhiên, vì đó là chấn thương kín, không dễ nhận biết nên có thể trẻ đã không được đi khám sớm.
Nhiều trường hợp sau té ngã mạnh, trẻ vẫn tỉnh táo và không than vãn gì nhiều nên cha mẹ hoặc người chăm sóc dễ chủ quan mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo tình trạng tổn thương nội tạng ở trẻ.
Còn theo bác sĩ điều trị Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long - Huỳnh Vũ Nhật Linh, các dấu hiệu để nhận biết sớm tình trạng chấn thương thận sau tai nạn là trẻ thường cảm thấy đau vùng thắt lưng (có thể là đau tăng dần). Một vài trẻ có chướng bụng và nôn ói.
Trong đó có một dấu hiệu rất có giá trị để chẩn đoán và tiên lượng đó là tình trạng nước tiểu có màu hồng hoặc màu đỏ sậm. Thế nên phụ huynh hãy hết sức chú ý theo dõi tình trạng nước tiểu sau khi có chấn thương ở vùng bụng của trẻ. Nếu tình trạng chấn thương thận ở trẻ phát hiện muộn thì trẻ sẽ có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi dơ…
Trường hợp chấn thương thận nặng, có thể có các dấu hiệu của biến chứng như sốc mất máu.
Tùy theo mức độ tổn thương của thận và các cấu trúc liên quan thì chấn thương thận được chia làm 5 mức độ từ nhẹ đến nặng. Với trẻ em, dù mức độ tổn thương thận nặng nhưng nếu có thể giữ được thận thì bằng mọi cách phải cố gắng giữ lại thận cho bé.
Đối với trường hợp thận đã vỡ đôi và có mảnh vụn như trường hợp bé P.N.H. này, việc điều trị bảo tồn thận là rất khó vì chỉ cần bé không hợp tác nằm yên tại chỗ thì thận tổn thương có thể vỡ ra bất cứ lúc nào và lúc đó phải mổ cấp cứu ngay.
Sau chấn thương nếu nghi ngờ chấn thương thận thì phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kiểm tra. Tùy từng tình trạng chấn thương mà đội ngũ bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể phù hợp với trẻ.
Sau khi về nhà, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ nghỉ ngơi là chủ yếu, tránh hoạt động mạnh để vết thương thận nhanh chóng phục hồi. Bên cạnh đó cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng của thận cũng như phát hiện các biến chứng muộn của chấn thương thận nếu có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận