Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam) hoàn thành đã tạo động lực phát triển KT- XH - Ảnh: Tạ Tôn |
Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, trong đó đưa ra lộ trình hoàn thành giai đoạn I của dự án vào năm 2022 với tổng chiều dài gần 600km.
Vốn Nhà nước hỗ trợ hơn 41 nghìn tỷ đồng giai đoạn I
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, với phương án đầu tư theo quy mô phân kỳ, tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án (2017 - 2022) khoảng 88.530 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng, chiếm 46,8% và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư (vốn BOT) khoảng 47.116 tỷ đồng.
Giai đoạn II (2023 - 2025), tổng nhu cầu vốn khoảng 114.612 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 34.340 tỷ đồng (chiếm 30%) và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư khoảng 80.272 tỷ đồng. “Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nằm trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được sử dụng để hỗ trợ GPMB các đoạn tuyến cao tốc theo quy mô quy hoạch, phần còn lại để hỗ trợ công tác khảo sát, lập dự án đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây lắp nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính các dự án BOT”, ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, trên cơ sở nhu cầu vận tải, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giai đoạn 2016-2020, giai đoạn I của dự án (2017-2022) sẽ đầu tư các phân đoạn có nhu cầu vận tải lớn, phù hợp với nguồn vốn. Cụ thể, trong giai đoạn này tận dụng các đoạn cao tốc đang khai thác gồm: Pháp Vân (Hà Nội) - Cao Bồ (Nam Định), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) và các đoạn cao tốc đang triển khai thi công, gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh hiện hữu đoạn Bùng (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị).
“Trong giai đoạn I sẽ mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) đảm bảo quy mô bốn làn xe cao tốc và xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An), Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) với quy mô bốn làn xe cao tốc và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai). Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn được đầu tư theo hình thức BT, không cần sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Sơn nói và cho biết, đến năm 2022, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM sẽ khai thác đoạn Pháp Vân - Vinh, Cam Lộ - Quảng Ngãi và Vĩnh Hảo - TP HCM với tổng chiều dài 737km, trong đó chiều dài đầu tư xây dựng giai đoạn 1 khoảng 573km.
Ông Sơn cho biết thêm, giai đoạn II của dự án (dự kiến từ năm 2023 - 2025) đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, bao gồm đoạn Vinh (Nghệ An) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) với tổng chiều dài 799km với quy mô bốn làn xe. “Giai đoạn III, sau năm 2025, đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH”, ông Sơn cho hay.
Cần cơ chế đặc thù để triển khai sớm
Theo thông tin của Báo Giao thông, để triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, hiện nay, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) đang xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP cho biết, các dự án đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn đã cơ bản hoàn thiện thủ tục đầu tư. “Ban PPP đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng dự phòng ngân sách trong đầu tư công trung hạn hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ứng trước vốn Trái phiếu Chính phủ làm cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai ngay. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn trả dự phòng ngân sách từ nguồn vốn TPCP”, ông Huy nói và cho biết, theo phương án này có thể khởi công dự án vào khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Đối với đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, theo ông Huy, trong trường hợp tiếp tục thực hiện dự án theo mô hình thí điểm hình thức PPP, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cơ chế để thực hiện dự án, gồm: Áp dụng hình thức cấp phát khoản vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, chấp thuận bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh tỷ giá và bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ.
“Trong trường hợp không tiếp tục thực hiện dự án mô hình thí điểm, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai dự án theo mô hình thí điểm theo hình thức PPP và triển khai theo hình thức PPP chung với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế về nguồn vốn và triển khai thực hiện như đối với dự án đoạn Ninh Bình - Thanh Hoá. Đồng thời, tiếp tục bố trí nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng như đã cam kết để các địa phương triển khai công tác GPMB”, ông Huy chia sẻ.
Vì sao phải điều chỉnh mục tiêu? Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, trước đây, trong đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành đầu tư xây dựng 1.372km để nối thông toàn tuyến. Khi đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ dành một gói ngân sách riêng khoảng 70 .000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức PPP. Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ GTVT chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn TPCP trong 5 năm (2016 - 2020) cho tất cả dự án, bao gồm một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam. Nếu dành toàn bộ nguồn tiền này để đầu tư cao tốc Bắc - Nam thì tất cả dự án sẽ phải dừng lại do không có tiền triển khai. Chính vì nguồn vốn bị thiếu nên trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chúng tôi đã tính toán và đưa ra mục tiêu hoàn thành 573km vào năm 2022 với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận