Các phương án đầu tư sân bay Điện Biên đang được TCT Cảng hàng không VN (ACV) hoàn thiện. Vấn đề hiện nay là có nên giao ACV đầu tư toàn bộ cả khu bay và khu hàng không dân dụng?
Hoàn thiện phương án trước 30/7
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu TCT Cảng hàng không VN (ACV) khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên.
Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu làm rõ thuận lợi, khó khăn và phương án triển khai gửi Bộ GTVT trước ngày 30/7/2020 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao ACV đầu tư.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay: “Hiện ACV vẫn đang tích cực hoàn thiện Pre-FS đúng thời điểm theo yêu cầu của Bộ GTVT”.
Thông tin thêm, ông Thanh cho biết, ACV đã báo cáo Bộ GTVT về phương án đầu tư sân bay Điện Biên, trong đó có việc xây dựng mới đường cất, hạ cánh (CHC) dài 2.400m, hệ thống đường lăn, đường lăn nối, đường lăn song song cũng như hệ thống đèn tiếp cận CAT 1.
Tại khu hàng không dân dụng, sẽ xây dựng nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng 2 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương.
“Dự kiến tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này vào khoảng 4.787 tỷ đồng. Trong đó, công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng, các hạng mục thiết yếu công trình khu hàng không dân dụng dự kiến 1.700 tỷ đồng.
Các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng. Công tác GPMB đã được UBND tỉnh Điện Biên nhất trí thực hiện dự kiến 1.532 tỷ đồng”, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay.
ACV cũng đề xuất 4 phương án đầu tư. Cụ thể, phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ khu bay, khu hàng không dân dụng. Phương án 2, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên là cấp có thẩm quyền đầu tư khu bay bằng nguồn vốn ngân sách.
Phương án 3, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên là cấp có thẩm quyền kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư khu bay. Phương án 4, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư toàn bộ CHK Điện Biên.
Trường hợp giao ACV, ông Thanh cho biết: “Dự kiến chỉ 36 tháng (sau khi phê duyệt chủ trương dự án), chúng tôi sẽ hoàn thành việc đầu tư sân bay Điện Biên mới”.
Liên quan vấn đề này, theo các chuyên gia hàng không, phương án giao ACV đầu tư toàn bộ cả khu bay và khu hàng không dân dụng sẽ nhanh và thuận lợi nhất. Thực tế, ngân sách hiện rất khó khăn, do đó nếu chờ cân đối được ngân sách, không biết bao giờ sân bay Điện Biên mới có thể triển khai.
Còn nếu giao ACV, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể cân đối được nguồn tiền từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty. Đầu tư theo phương án này sẽ không tạo áp lực vào nguồn vốn ngân sách trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp cần ưu tiên cho các mục tiêu có tính chất cấp bách hơn.
ACV có được đầu tư xây khu bay mới tại Điện Biên?
Liên quan đến việc đầu tư vào sân bay Điện Biên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây đã có văn bản đề nghị “xem xét phương án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước để đầu tư khu bay trước. Sau đó trên cơ sở thực tế khai thác mới xem xét, đánh giá và đề xuất thời điểm phù hợp để cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhà ga theo quy hoạch”.
CHK Điện Biên hiện tại là cảng nội địa, cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Nhà ga hành khách hiện tại cũng được xây dựng từ năm 2004 với công suất 300.000 hành khách/năm.
Văn bản do Phó chủ tịch Ủy ban Nguyễn Thị Phú Hà ký cũng nêu rõ, trường hợp Chính phủ quyết định giao ACV đầu tư cảng hàng không này, Bộ GTVT cần làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý đối với việc ACV đầu tư vào khu bay.
“Đến thời điểm hiện nay, các khu bay của 21 cảng hàng không đang giao ACV quản lý (trong đó có CHK Điện Biên) chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển thành tài sản doanh nghiệp của ACV.
Theo đó, khu bay tại CHK Điện Biên là tài sản công được quản lý, sử dụng theo quy định về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ của Bộ GTVT thực hiện”, bà Hà cho biết.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia về hàng không cho hay: “Khu bay mới của CHK Điện Biên nằm ở một vị trí mới, không liên quan gì đến khu bay hiện nay.
Do vậy, trường hợp ACV đầu tư hoàn toàn cả khu bay và khu hàng không dân dụng mới, về cơ bản không có gì trái quy định, cũng tương tự như việc Sungroup đầu tư vào sân bay Vân Đồn. Còn ACV đầu tư vào đó theo hình thức nào, PPP, BOT… thì còn phải bàn tính tiếp”.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho hay, Bộ vẫn đang chờ báo cáo đề xuất đầu tư của ACV trước khi cân nhắc phương án hợp lý nhất, hiệu quả nhất để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận