Bóng đá Việt Nam đang có khí thế lớn trước vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á và SEA Games 30. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận, để hoàn thành mục tiêu giành HCV SEA Games và vào vòng loại thứ 3 World Cup chắc chắn không dễ dàng.
Khó khăn nhìn thấy
Mới đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo đã thống nhất mục tiêu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á là đi tới vòng 3 (gồm 12 đội mạnh nhất châu Á). Trước đó, VFF cũng đã giao chỉ tiêu vô địch môn bóng đá nam SEA Games cho U22 Việt Nam. Đặc biệt, HLV Park Hang-seo rất tự tin với chỉ tiêu này cùng điều kiện có 5 tuần để chuẩn bị. Chính bởi yêu cầu của nhà cầm quân người Hàn Quốc, Giải vô địch quốc gia 2019 (V-League 2019), buộc phải kết thúc vào trung tuần tháng 10.
Người hâm mộ đương nhiên cũng đặt nhiều kỳ vọng vào hai giải đấu quan trọng này nhưng từ thực tế cho thấy, thày trò HLV Park Hang-seo sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức. Tính đến thời điểm này, ông Park khó có sự phục vụ của Trần Đình Trọng và Phan Văn Đức, hai quân bài tẩy trong hệ thống chiến thuật mà nhà cầm quân người Hàn Quốc gây dựng. Nhiều tuyển thủ quốc gia không thể hiện được phong độ tốt tại V-League 2019 trong khi lứa U22 đa phần đều đang chơi ở Giải hạng Nhất Quốc gia 2019, sự cạnh tranh không cao và cũng thiếu thực tiễn thi đấu quốc tế.
Về mặt khách quan, các đối thủ của thày trò ông Park đều đang có những chuyển động tích cực. Đội tuyển Thái Lan và U23 Thái Lan sẽ được dẫn dắt bởi HLV Akira Nishino, người đã khẳng định được giá trị ở sân chơi World Cup 2018 cùng Nhật Bản, vô địch AFC Champions League 2008 cùng Gamba Osaka. Với sự có mặt của ông Nishino, cộng thêm nền tảng tốt, Thái Lan hứa hẹn sẽ có màn lột xác tại SEA Games cũng như vòng loại World Cup sắp diễn ra.
Malaysia và Indonesia lại đang tích cực nhập tịch cho các cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu. Đội tuyển Malaysia sẽ có ít nhất 3 cầu thủ gốc châu Âu và châu Phi, tham dự vòng loại World Cup 2022. Họ chuẩn bị có thêm nhân vật thứ 4 đến từ Đức, nếu như đội tuyển quốc gia có nhu cầu. Trong khi đó, Indonesia đang nhắm tới một loạt cái tên đang chơi tại giải vô địch quốc gia Hà Lan như: Vinnie Vermeer (PSV), Tristan Gooijer (Ajax), Sandy Walsh (Zulte Waregem)… Sắp tới, đội bóng xứ vạn đảo còn sử dụng trung vệ Otavio Dutra người gốc Brasil.
Quan trọng hơn, sau giai đoạn thành công vừa qua, bóng đá Việt Nam trở thành mục tiêu mà mọi đội bóng trong khu vực đều muốn đánh bại. HLV Akira Nishino không dưới 2 lần khẳng định ông muốn cùng tuyển Thái Lan vượt qua Việt Nam trong trận đại chiến vào ngày 5/9. Dù không nói ra nhưng Malaysia, Indonesia hẳn cũng muốn trả món nợ đã vay tại AFF Cup 2018. “Họ chắc chắn chơi với 200% sức lực chứ không phải 100% khi đối đầu Việt Nam”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định. Ở cấp độ U22, mọi thứ càng khó lường hơn khi thông tin về các đối thủ quá ít ỏi. Mặt khác, đây mới thực sự là sân chơi các quốc gia trong khu vực dồn toàn lực tranh đấu.
Khó nhưng vẫn kỳ vọng
Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, bóng đá Việt Nam đang hừng hực khí thế xung trận nhưng những ẩn họa vẫn thấp thoáng. “Tại vòng loại World Cup 2022, tôi cho rằng đây là giải đấu không dễ dàng bởi 3 đối thủ trong khu vực đều ngang cơ chúng ta trong khi UAE nhỉnh hơn một bậc. Ở bảng đấu như thế, đương nhiên sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, chỉ cần một chút sơ sảy có thể phải trả bằng một cái giá rất đắt. Chúng ta từng thắng Thái Lan, Malaysia hay Indonesia nhưng chưa trận nào chúng ta áp đảo hoàn toàn đối phương. Chính bởi vậy, mục tiêu giành ngôi đầu bảng G thực sự quá khó. Trường hợp đứng nhì bảng, cơ hội để tuyển Việt Nam lọt Top 2 đội có thành tích tốt nhất cũng không cao bởi tính cạnh tranh tại bảng G là rất lớn”, ông Tùng phân tích.
Trong khi đó, về phần đội tuyển U22 Việt Nam, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định, thách thức lớn nhất là tập hợp được một lực lượng đủ mạnh, có sự gắn kết giữa các vị trí cũ và mới: “U22 Việt Nam đá SEA Games sẽ không phải là một tập thể thống nhất, chơi với nhau nhiều năm như thế hệ trước. Nếu khéo co kéo cũng chỉ còn vài cầu thủ làm nòng nốt và HLV Park Hang-seo đang tìm kiếm những nhân tố còn thiếu. Ông Park gọi rất nhiều cầu thủ, chia thành nhiều đợt, cách làm này có thể giúp U22 Việt Nam có thêm những nhân tố mới chất lượng. Nhưng cũ và mới có hòa nhịp được với nhau hay không, tạo thành một thể thống nhất hay không vẫn là câu hỏi lớn”.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cũng tỏ ra quan ngại khi tuyển U22 Việt Nam có những xáo trộn về lực lượng trên diện rộng: “HLV Park Hang-seo đang tiến hành việc tìm kiếm nhân sự cho U22 Việt Nam theo một phương pháp đặc biệt, gọi lên từng top để thử nghiệm. Tuy vậy, quá nhiều lựa chọn chưa hẳn là tốt. Các cầu thủ trẻ vốn chưa được cọ sát đỉnh cao sẽ khó bắt nhịp với những cái tên đã cùng ông Park tạo nên thành công suốt hơn một năm qua như: Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Tiến Linh…”.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cũng chỉ ra điểm hạn chế của tuyển Việt Nam khi trước mắt là những trận đấu cam go thực sự. “Về lối chơi, nhân sự cơ bản tuyển Việt Nam không có nhiều thay đổi khi HLV Park Hang-seo vẫn ngồi đó. Nhưng đội bóng của chúng ta vẫn thiếu một trung phong xuất sắc. Anh Đức có thể sẽ không tham dự vòng loại World Cup do cày ải quá nhiều từ đầu mùa. Ai đủ sức thay thế cầu thủ B.Bình Dương là bài toán khó cho ông Park. Ở khu trung tuyến, tuyển Việt Nam cũng thiếu một cầu thủ làm bóng xuất sắc. Tại King’s Cup 2019, HLV Park thường sử dụng 2 tiền vệ trụ, điều này đảm bảo sự chắc chắn nơi tuyến giữa nhưng khả năng tấn công lại phụ thuộc quá nhiều vào hai cánh”, ông Hải nói.
Dù nhìn nhận U22 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cả chuyên gia Vũ Mạnh Hải và bình luận viên Ngô Quang Tùng vẫn đặt niềm tin vào khả năng cầm quân của HLV Park Hang-seo và bầu không khí tích cực của bóng đá Việt Nam. “Chúng ta cảm nhận được có một dòng chảy ngầm rất lớn. Những cầu thủ chưa có cơ hội lên tuyển thi đấu khát khao nỗ lực. Những cái tên đã chắc suất cũng dần lấy lại hình ảnh của chính mình, đó là tín hiệu lạc quan để người hâm mộ có quyền kỳ vọng ở hai giải đấu sắp tới”, ông Hải cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận