BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên (bên phải) và anh Võ Hoài Nam (áo đỏ) tại buổi làm việc |
Phía bệnh viện nói gì?
Tại buổi làm việc, BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch- Tổng hợp Bệnh viện TƯ Huế cho biết, sản phụ Hoàng Thị Nhung (27 tuổi, trú tại Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào viện lúc 18h25 ngày 3/9 với chẩn đoán thai lần 3 (1101) 33 tuần/ dọa sinh non/ tiền sử thai chết lưu không rõ nguyên nhân. Sản phụ Nhung được nhập viện tại Phòng Sinh, Khoa Sản, Bệnh viện TƯ Huế.
“Trước khi nhập viện, sản phụ đã khám thai ở phòng khám tư ngoài bệnh viện và được siêu âm nhiều lần với kết quả “dạ dày không thấy trong quá trình khảo sát sau khi đã cho bệnh nhân chờ 30 phút để khảo sát”. Theo y văn dị tật bẩm sinh teo thực quản không thấy dạ dày trên siêu âm thì khả năng thai chết trong tử cung là 83%”, BS Tuyên nói và cho biết bệnh nhân lúc vào viện tỉnh táo, mạch 90 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg. Chiều cao tử cung 25cm, vòng bụng 88cm, ngôi đầu, thế trái, cơn co tử cung thưa. Kết quả khám trong: cổ tử cung dài, hở lỗ ngoài.
Sản phụ được chỉ định làm các xét nghiệm: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, anti-HIV nhanh, thời gian máu chảy-máu đông, định nhóm máu hệ ABO, đánh giá chức năng thận (định lượng creatinin, ure máu), glucoza máu, xét nghiệm viêm gan B (HBsAg), đánh giá chức năng gan (AST và ALT), tổng phân tích nước tiểu và đo CTG (điện tim thai đồ). Sản phụ đã được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế theo hướng dọa sinh non và trưởng thành phổi.
Lúc 19h45 cùng ngày (3/9), tiến hành đo tim thai và không phát hiện được tim thai trên CTG. Sản phụ được siêu âm thai cấp cứu và ghi nhận: tim thai âm tính, trọng lượng thai khoảng 1.900gr, dạ dày thai nhi khó quan sát. Các bác sĩ trực đã mời người nhà xem trực tiếp trên siêu âm và giải thích tình trạng thai nhi trước khi TS.BS Lê Minh Toàn - Trưởng kíp trực mổ cấp cứu. Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ Toàn đã trực tiếp khám và giải thích tình trạng thai nhi, hướng xử trí tiếp theo cho sản phụ và gia đình rõ; đồng thời bác sĩ Toàn báo cáo trường hợp này với lãnh đạo Bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện đã ủy quyền cho BS Tuyên trực tiếp thăm hỏi sản phụ và gia đình; làm việc với Khoa Sản. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi sát. Sau khi đã tư vấn cụ thể, sản phụ và gia đình đã hiểu và đồng ý, sản phụ được phát khởi chuyển dạ lúc 7h30 ngày 5/9. Đến 20h cùng ngày sản phụ sinh thường, bé trai nặng 2.000gr, da non, nhiều chất gây. Cuống rốn thai nhi nhồi máu, bầm tím dài khoảng 10cm. Có một mảng xuất huyết lớn từ thành ngực đến bụng. Tình trạng mẹ sau sinh ổn định.
“Sau khi đưa thai ra, Bệnh viện đã gặp gia đình thông báo tình hình của mẹ và bé. Để xác định chính xác nguyên nhân tử vong của thai nhi, Bệnh viện đề nghị chuyển thai nhi đến Khoa Giải phẫu bệnh để mổ nhằm tìm hiểu sâu nguyên nhân tử vong và có hướng dự phòng cho những lần có thai tiếp theo của sản phụ. Tuy nhiên, anh Võ Hoài Nam không đồng ý và đã viết giấy từ chối, xin đưa thai nhi về lúc 20h50 cùng ngày. Hiện, lãnh đạo Bệnh viện và tập thể Khoa Sản đang tập trung mọi điều kiện tối ưu nhất tích cực điều trị cho sản phụ”, BS Tuyên cho hay.
Theo Bệnh viện TƯ Huế, kíp trực liên quan đếm vụ việc đã có bản tường trình và tạm ngưng công tác chuyên môn |
Vì sao chồng sản phụ bức xúc?
Tại buổi làm việc, anh Võ Hoài Nam (33 tuổi) khẳng định chị Nhung nhập viện lúc 17h chứ không phải lúc 18h25 như báo cáo của bệnh viện. “Tại buổi làm việc ngày 4/9, các bác sĩ và cán bộ liên quan cũng đã thừa nhận vợ tôi nhập viện lúc 17h. Mốc thời gian đo tim thai cũng không phải như trong báo cáo”, anh Nam nói.
“Khi bệnh viện chuyển vợ tôi về giường bệnh bình thường thì vợ tôi nói vẫn chưa đo tim thai. Tôi đến đề nghị thì các bác sĩ nói đo rồi. Tôi nói chưa đo thì các bác sĩ mới mở bệnh án ra, thấy chưa đo mới bảo tôi đưa vợ đến đo tim thai và mốc thời gian này là sau 20h chứ không phải 19h45”, anh Nam cho hay.
“Khi vợ nhập viện tôi có báo cáo kết quả lâm sàng và kết quả đo tim thai của 2 phòng khám ngoài. Tôi cũng trình bày là tim thai có hơi yếu và ít cử động, đề nghị phải siêu âm và chẩn đoán tình trạng sức khỏe của thai nhi ngay. Thế nhưng, từ 17h đến 20h, mặc dù gia đình nhiều lần yêu cầu đo tim thai và siêu âm, kiểm tra sức khỏe của thai nhi nhưng kíp trực không thực hiện. Vì sao một một trường hợp bệnh nhân như vậy mà không đo tim thai, khám sức khỏe cho thai nhi mà phải đến sau 20h mới đo tim thai và lúc đó đã không còn tim thai”, anh Nam bức xúc.
Theo anh Nam, mặc dù bác sĩ trực tiếp khám trong, đo huyết áp… nhưng không đo tim thai, không siêu âm thai nhi và cũng không dùng ống nghe để kiểm tra tim thai, tình trạng sức khỏe thai nhi. “Vợ tôi hỏi bác sĩ trực tiếp khám về tình trạng sức khỏe của thai nhi thì bác sĩ nói chưa xác định được, phải xét nghiệm. Vì sao khi chưa biết tình trạng sức khỏe của thai nhi như vậy mà bác sĩ cho điều trị 2 liều thuốc trưởng thành phổi và dọa sinh non.
Tại cuộc họp ngày 4/9, bác sĩ Đô, nữ hộ sinh Thảo đã nhận trách nhiệm. Bác sĩ Toàn nói không trực tiếp nhưng là lãnh đạo Khoa cũng nhận trách nhiệm. Nhưng bây giờ trong báo cáo không có một ai chịu trách nhiệm gì hết…”, anh Nam bức xúc.
Tuy nhiên, theo BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, đây mới là báo cáo bước đầu về sự việc và bệnh viện sẽ có hình thức xử lý tiếp theo. Hiện, Khoa sản đã có bản tường trình; kíp trực cũng đã có bản tường trình và tạm ngưng công tác chuyên môn. “Khi Hội đồng khoa học họp đánh giá trách nhiệm của từng thành viên và Ban giám đốc Bệnh viện có kết luận cuối cùng sẽ thông tin đến gia đình, cơ quan báo chí”, BS Tuyên cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận