Chuyện dọc đường

Chống tham nhũng cần nói thẳng

06/09/2017, 07:50

Người được bổ nhiệm có “lót tay” nên đương nhiên sau khi ngồi vào ghế đó họ sẽ tìm cách thu lại...

images1695431_v

Chống tham nhũng cần nói thẳng. (Ảnh minh hoạ)

Phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ, cần mạnh dạn đánh giá một nguyên nhân chưa từng được đề cập, đó là do chính ý thức của người cán bộ công chức thực hiện hành vi tham nhũng.

Tham nhũng là lỗi do cố ý, nhưng trong tất cả các báo cáo đánh giá lại chưa đề cập gì đến ý thức của những cán bộ này.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác cán bộ ở nhiều nơi làm không chuẩn. Chúng ta cứ bảo bổ nhiệm đồng chí A, đồng chí B, cứ nói đưa vào diện quy hoạch, nhưng đến quyết định thì không ai so sánh một cách toàn diện về tất cả các tiêu chí đối với các chức vụ, chỉ hỏi theo kiểu “Anh đồng ý ai?”. Tức là cái yếu nhất là bổ nhiệm chức vụ theo tình cảm cá nhân của người được giao quyền bổ nhiệm, nên thực tế nhiều người tiêu chí cao hơn nhưng không được bổ nhiệm. Còn người được bổ nhiệm có “lót tay”, chạy chức chạy quyền nên đương nhiên sau khi ngồi vào ghế đó họ sẽ tìm cách thu lại, dẫn đến tham nhũng. Đây là nguyên nhân quan trọng, nếu không lành mạnh thì không chống tham nhũng được.

Báo cáo của Chính phủ có đề cập đến nguyên nhân nữa là do đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng “tuy trình độ chuyên môn đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu”. Tôi đề nghị cần đánh giá lại, vì không chống được tham nhũng không phải do trình độ. Những cán bộ này toàn cử nhân luật, hiểu rất rõ trình tự, thủ tục cũng như quy trình tố tụng, điều tra... Nhưng vấn đề không phải do trình độ mà là do trách nhiệm, họ có dám gánh trách nhiệm không? Đây chính là ý thức chủ quan của người làm công tác phòng chống tham nhũng.

Nếu chúng ta không mạnh dạn nói thẳng với nhau, cứ loanh quanh như vậy thì sẽ làm mất thế trận lòng dân, mà mất thế trận lòng dân là mất hết. Điều này rất đáng lo ngại!

Về hiệu quả phòng chống tham nhũng, chúng ta nên chăng đưa ra một phép so sánh. Việc chúng ta “quân hùng tướng mạnh” đi khảo sát, giám sát, kiểm tra để phòng chống tham nhũng liệu có bằng một phóng viên người ta đi điều tra độc lập? Với những phóng viên có vi phạm không bàn đến, vì vi phạm thì sẽ bị xử lý, nhưng vấn đề là cả đội “quân hùng tướng mạnh” đi ô tô còi ủ chẳng phát hiện được cái gì, trong khi đó một phóng viên lại phát hiện được nhiều vấn đề. Phải so sánh như thế để tính được hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

Nguyễn Mai Bộ
(Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.