Chính trị

Chống tham nhũng không cản trở phát triển kinh tế

23/08/2024, 06:00

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên nhiều mặt.

Tại phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, hay cản trở phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), đây là định hướng rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Chống tham nhũng không cản trở phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hà.

Tâm không sáng, năng lực kém mới sợ 

Có ý kiến cho rằng, việc quyết liệt chống tham nhũng đã gây tâm lý sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, qua đó tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm của ông thế nào?

Những năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Điều này không phải tự chúng ta nói với nhau mà đã được thế giới ghi nhận, thông qua chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam liên tục tăng điểm, thuộc nhóm nước có tiến bộ nổi bật.

Thực tế, ở đâu đó có cán bộ tâm lý sợ trách nhiệm, né trách nhiệm, không dám làm khi cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh. 

Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, không phải điển hình. Đại đa số cán bộ của chúng ta vẫn làm nhiệm vụ tốt, làm đúng chức trách của mình.

Những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh chỉ là những người có tâm không trong sáng. 

Có thể đó là những người mà nếu không được "chấm mút" sẽ không làm. Hoặc là năng lực kém, không hiểu biết các quy định pháp luật, làm gì cũng sợ sai. 

Những cán bộ này dứt khoát phải loại bỏ, nếu không sẽ khiến công việc trì trệ.

Như ông nói, nếu cán bộ trong sáng, có năng lực tốt, chắc chắn không phải ngại gì cả?

Đúng như vậy. Bởi chống tham nhũng chỉ là diệt trừ những quan tham chứ đâu có ảnh hưởng đến những cán bộ làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên nhiều mặt.

Thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Đảng, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nghị định về nội dung này.

Điều đó giúp đội ngũ cán bộ an tâm công tác, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình. 

Thậm chí với tâm trong sáng vì lợi ích chung thì có thể sáng tạo, dám nghĩ, dám làm những cái mới trong khuôn khổ pháp luật quy định.

Ông Nguyễn Đức Hà

Bằng chứng là hơn 10 năm qua, khi chúng ta đẩy mạnh cuộc chiến này, tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức 6 - 7%, thuộc các nước tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, quan điểm chỉ đạo này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Tham nhũng làm thất thu ngân sách Nhà nước, làm những doanh nghiệp có năng lực, đúng chuyên ngành không trúng thầu, không được giao thực hiện dự án đầu tư. 

Còn doanh nghiệp không đủ năng lực, không có chuyên môn phù hợp với dự án lại trúng thầu.

Tham nhũng làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chính vì thế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, chống thất thu ngân sách. Từ đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vậy còn việc không vì đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực mà cản trở đến phát triển kinh tế - xã hội thì sao, thưa ông?

Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. 

Từ đó đã làm biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên ở nhiều cấp dính chàm, đây là bài học rất đau xót. Điển hình như vụ FLC, AIC, Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát…

Các vụ án này xảy ra ở các thời điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, lĩnh vực khác nhau nhưng đều có điểm chung là có sự cấu kết của một số cán bộ có chức quyền tha hóa, biến chất với doanh nhân để trục lợi bất chính với số tiền rất lớn. 

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chính vì thế, khi chúng ta tiến công vào loại tội phạm tham nhũng sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, loại bỏ những doanh nghiệp "sân sau", tạo cơ hội cho những doanh nghiệp có năng lực, làm ăn uy tín. 

Việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước không cản trở hay ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà ngược lại, giúp đem lại sự minh bạch, loại bỏ những rào cản kìm hãm sự phát triển, gây lãng phí nguồn lực. 

Đề cao chủ động phòng ngừa

Theo ông, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng những nội dung nào?

Thứ nhất, cần chủ động phòng ngừa. Quan điểm của Đảng rất rõ ràng là lấy phòng ngừa là chính. Để thực hiện, cần hoàn thiện thể chế. 

Thông qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nếu phát hiện các quy trình, quy định nào còn thiếu, còn sơ hở, cần sớm bổ sung để cán bộ không thể tham nhũng.

Chống tham nhũng không cản trở phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Vừa qua có rất nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. (Trong ảnh: Bị cáo Trương Mỹ Lan vụ Vạn Thịnh Phát bị tòa tuyên án tử hình).

Tiếp đến là phải tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện những vụ việc tiêu cực mới chỉ như đám lửa nhỏ, từ đó kịp thời xử lý, không để xảy ra những vụ việc lớn. 

Để làm được điều này cần phải kiểm soát quyền lực ở những nơi, địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

Thứ ba là phải tập trung xử lý dứt điểm, nghiêm minh những vụ án tham nhũng lớn để răn đe và thu hồi tài sản thất thoát. 

Riêng thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua được chúng ta thực hiện rất có hiệu quả. 

Như năm 2023, đã thu hồi được trên 20.000 tỷ đồng, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022. Từ đó, ngân sách được bổ sung một khoản không nhỏ để đầu tư phát triển.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã xác định những nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Trong đó, thông điệp "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" được đưa vào như một trong những cam kết thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo ông, cần triển khai thực hiện chủ trương này thế nào cho hiệu quả?

Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, không còn tình trạng "con đẻ -  con nuôi" khi so sánh doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Điều này không chỉ cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đổi mới sáng tạo mà còn là giải pháp hỗ trợ thiết thực, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp tư nhân an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình làm ăn kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp có thể không tránh khỏi những thiếu sót. 

Chính vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước phải hướng dẫn, tạo điều kiện để họ có thể thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. 

Tất nhiên điều này không có nghĩa là hợp lý hóa sai phạm, với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý nghiêm.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế chính là một thông điệp rất rõ ràng của Đảng để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có thể vững tin vào con đường mà họ đã chọn.

Bởi những vụ việc oan sai, hình sự hóa quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế sẽ làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào kỷ cương phép nước, sự công bằng của pháp luật, gây ra những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.