Chiều nay (31/12), Bộ Nội vụ tổ chức họp báo công bố, cung cấp thông tin về 3 nghị định vừa được Chính phủ thông qua trong ngày.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long và Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh chủ trì cuộc họp báo.
Ba nghị định đã được thông qua
Theo ông Trương Hải Long, trong thời gian qua Bộ Nội vụ đã triển khai đồng loạt, xây dựng chùm nghị định theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
"Hôm nay các chính sách đã được Chính phủ thông qua, ban hành. Ngày 31/12/2024, Bộ Nội vụ đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao", Thứ trưởng Trương Hải Long cho hay.
Ba nghị định bao gồm:
Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng;
Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đánh giá, Nghị định số 178/2024/NĐ-CP nhận được sự quan tâm rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như dư luận.
Tổng rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ
Theo Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng, Nghị định số 178/2024 có 3 mục đích chính: có chính sách tốt, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy; Giữ và trọng dụng cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội; Tăng cường cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh đi công tác ở cơ sở (dự kiến 2 cán bộ/xã) để tăng nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghị định này gồm 3 chương và 27 điều; trong đó quy định về chính sách, chế độ từ điều 7 đến điều 16.
Theo ông Dũng, lần này, khi tinh gọn bộ máy, sẽ có một đợt tổng rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị, trong từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, xác định được mức độ hoàn thành công việc khác nhau của mỗi người.
Khuyến khích tự nguyện xin nghỉ
Trả lời báo chí về chính sách vượt trội khi khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế quy định tại nghị định này, ông Dũng cho biết: Nghị định này không phải khuyến khích mà là các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành tiêu chí đánh giá; sau đó xác định những người thuộc diện phải nghỉ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định cho nghỉ.
Trong quá trình sắp xếp bộ máy sẽ có những người thuộc đối tượng áp dụng, tự nguyện xin nghỉ thì được khuyến khích.
Nghị định này kế thừa Nghị định 29/2023 quy định tinh giản biên chế, song các mức trợ cấp tăng lên.
"Những người còn 5 năm công tác thì được hưởng toàn bộ tiền lương của 60 tháng và chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Tức là họ nghỉ hưu mà không bị trừ, được trợ cấp theo số năm được nghỉ sớm và trợ cấp 3 tháng. Chính sách này thực sự rất lớn", ông Dũng nhấn mạnh.
Chế độ nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ công tác chờ đủ tuổi hưu
Thông tin về Nghị định 177, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết các chính sách liên quan trực tiếp đến cán bộ trước thềm đại hội Đảng các cấp và đại hội Đảng toàn quốc.
Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các ban đảng Trung ương và các địa phương để xác định những nội dung cần trong xây dựng nghị định, bám sát Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.
Nghị định chia 3 nhóm đối tượng: Nhóm 1 là không đủ điều kiện tái cử (không đủ 30 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu); nhóm 2 là còn đủ điều kiện tái cử (còn 30 - 60 tháng); nhóm 3 là đối tượng thuộc Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, bổ sung thêm cơ sở pháp lý giải quyết với các trường hợp vi phạm nghỉ hưu sớm, quy định với các trường hợp không vi phạm nhưng có nguyện vọng nghỉ hưu sớm… để giải quyết vướng mắc với các trường hợp đã nghỉ hưu vừa qua.
Về chế độ, chính sách gồm 2 chế độ: nghỉ hưu trước tuổi và chế độ nghỉ công tác chờ đủ tuổi hưu.
Với nhiều trường hợp không đủ tuổi tái cử vẫn lựa chọn ở lại công tác rất khó sắp xếp vị trí việc làm, nên có chế độ chính sách khuyến khích nghỉ hưu ngay.
Chính sách lương vượt trội thu hút người tài
Với Nghị định 179 về trọng dụng thu hút người có tài năng, ông Ninh cho biết, đã tham khảo kinh nghiệm thu hút, trọng dụng người tài của Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Thái Lan..., vừa đảm bảo cơ chế chính sách vượt trội, phù hợp thực tiễn.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức có tài năng, phát hiện những người có tài năng đang làm trong bộ máy để trọng dụng.
"Rất nhiều người thi tuyển công chức, nhưng qua vài năm rèn luyện phát huy vai trò, có năng lực nổi trội, nòng cốt cho các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, có các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý...", ông Ninh nói và cho biết đây là những đối tượng cần tập trung thu hút để tạo thành lực lượng dẫn dắt.
Cụ thể, về chính sách tiền lương thu hút người tài, với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng, ngoài được hưởng 100% tiền lương tập sự còn được hưởng phụ cấp bằng 150% mức lương trong thời hạn 5 năm từ ngày tuyển dụng.
Đây là cơ chế rất mạnh, vượt trội. Mức tiền lương cơ bản chưa bao gồm phụ cấp hưởng khoảng 13,7 triệu đồng/tháng, thạc sĩ khoảng 15,6 triệu đồng/tháng, tiến sĩ 17,5 triệu đồng/tháng. Dù so với mặt bằng chưa quá cao nhưng cũng là nỗ lực của Chính phủ.
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành được bổ nhiệm vào ngạch viên chức, được hưởng phụ cấp bằng 300% mức tiền lương, thưởng.
Mức tiền lương cơ bản thấp nhất (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25%) với người được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương hưởng 41,1 triệu đồng/tháng, người được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hưởng hơn 58 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, khoa học đầu ngành ký hợp đồng lao động, cho phép người đứng đầu bộ, ngành, địa phương được quyết mức tiền lương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận