Xã hội

Chốt 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khóa mới

17/11/2020, 15:11

Dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là chủ nhật, ngày 23/5/2021.

img
Ảnh minh họa

Chiều nay (17/11), theo chương trình Kỳ họp 10, với 465/466 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là chủ nhật, 23/5/2021.

Trình Quốc hội về việc quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trước đó, Trưởng ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tuý cho biết, việc lựa chọn thời điểm như trên căn cứ vào quy định của pháp luật về bầu cử.

“Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tại Điều 4 quy định: “Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ” và Điều 5 quy định: “Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử”, Tờ trình dẫn.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia với 19 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước là các Phó Chủ tịch Hội Bầu cử Quốc gia.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hội đồng bầu cử quốc gia cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giữ chức Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cũng trong chiều nay (17/11), với 91,91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Đáng chú ý, Điều 79 của Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định tại Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.