Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, dự án khó có thể đảm bảo tiến độ trên do còn rất nhiều việc phải làm, nhất là khâu đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tàu…
Chốt thời gian khai thác từ tháng 4/2021
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại hiện trường dự án đầu tháng 9/2019, đoạn trên cao dài 8,5km của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã thi công xong phần kết cấu bê tông. Hàng rào hai bên đường đang được hàn, lắp đặt ray.
Đơn vị quản lý dự án cho biết, gói thầu xây dựng đoạn tuyến trên cao hiện đạt tiến độ tốt nhất của toàn dự án, đạt hơn 99,5% khối lượng và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Hạng mục 8 nhà ga trên cao được tách thành gói thầu riêng, hiện đang được thi công lắp đặt mái che, hoàn thiện kết cấu, nhưng chưa ga nào thi công đến phần thang bộ, thang máy.
Theo trình tự, sau khi thi công xong phần kết cấu bê tông, mái che nhà ga sẽ lắp đặt hệ thống thang máy, thông gió và phòng cháy chữa cháy. Các thiết bị này đều được nhập khẩu và đã được đưa về nước để chuẩn bị lắp đặt. Trong khi đó, công trình khu vực Depot đang được lắp đặt các nhà xưởng, tòa nhà điều hành trung tâm OCC, lắp đặt ray. Dự kiến công trình Depot và các nhà ga trên cao đến tháng 10/2020 sẽ hoàn thành. Bên cạnh phần công trình Depot và đoạn tuyến trên cao, phần 4km đi ngầm còn lại tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng đang thi công các ga ngầm, đoạn tiếp giáp giữa tuyến đi nổi và ngầm.
“Cuối tháng 7/2019, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, trong đó tháng 4/2021 đưa vào khai thác, vận hành 8,5km đoạn tuyến trên cao, sau đó vừa khai thác vừa xây dựng đoạn ngầm còn lại để khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022”, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết.
Cũng tại quyết định trên, TP Hà Nội giao đơn vị quản lý dự án xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết công tác GPMB, thi công các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu để đạt mốc tiến độ trên.
Tìm hiểu của PV, dự án được khởi công từ tháng 9/2010 và sau nhiều lần điều chỉnh lùi tiến độ, việc tách tiến độ để khai thác trước đoạn trên cao nhằm tạo nguồn thu sớm cho dự án, giảm thời gian và chi phí phát sinh so với phương án đoạn trên cao phải chờ đoạn đi ngầm để khai thác toàn tuyến. Trước đó, giữa năm 2018, UBND TP Hà Nội trình Bộ KH&ĐT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ thời gian kết thúc dự án là cuối năm 2022, với dự kiến khai thác trước đoạn trên cao vào năm 2020.
Vẫn chậm đào tạo nguồn nhân lực
Chạy thử các đoàn tàu ngay tại cơ sở sản xuất
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, gói thầu thiết kế và sản xuất các đoàn tàu của dự án hiện đạt gần 35%. Đơn vị này cũng đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đưa đoàn tàu đầu tiên về dự án vào tháng 7/2020, đáp ứng tiến độ vận hành đoạn trên cao.
Theo chuyên gia công nghệ đường sắt, khi đoàn tàu đưa về dự án đều phải vận hành thử trên số kilomet nhất định trước khi vận hành chính thức. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất đều có cơ sở hạ tầng để vận hành thử, vì vậy chủ đầu tư có thể bàn thảo với nhà thầu để bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng xuất xưởng và số kilomet chạy thử ngay tại nhà máy để giảm bớt thời gian chạy thử tại dự án.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đặt mục tiêu nỗ lực đáp ứng tiến độ tổng về khai thác và kết thúc dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội theo quyết định đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt, từ kinh nghiệm của một số tuyến đường sắt đô thị đang xây dựng, nếu không rốt ráo, mốc thời gian trên khó lòng đạt được.
Tìm hiểu của PV, dự án cần đảm bảo cả tiến độ xây lắp lẫn đào tạo nguồn nhân lực khai thác, vận hành; vận hành thử, quy trình khai thác vận hành, bảo trì… được nghiệm thu cấp Nhà nước và được cấp chứng chỉ an toàn hệ thống mới có thể đưa vào khai thác vận hành chính thức. Trong khi đó, đáng lưu ý là theo đơn vị quản lý dự án, đến nay chưa có kế hoạch, tiến độ cụ thể cho các hạng mục chuyên ngành khác của dự án.
“Trước khi đưa một phần dự án vào vận hành, công ty tiếp nhận quản lý và vận hành dự án phải tiếp nhận đầy đủ cơ sở hạ tầng (tuyến đường sắt, hệ thống cấp điện, nhà ga với đầy đủ trang thiết bị bán vé, kiểm soát vé, phục vụ khách, an ninh, Depot, trung tâm điểu khiển OCC....). Bộ máy nhân sự khai thác dự án cũng phải được huấn luyện và thực hành, đặc biệt là bộ phận buộc phải được sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề như lái tàu, nhân viên làm việc tại trung tâm điều khiển OCC…”, chuyên gia Nguyễn Ân nói.
Cũng theo ông Ân, đào tạo lái tàu và nhân viên OCC rất quan trọng, để đảm bảo tiến độ vận hành dự án vào thời điểm trên, cần xúc tiến ngay việc tuyển dụng để đưa đi đào tạo ở nước ngoài, cũng như xác định rõ yêu cầu đạt đến trình độ ở mức nào. Bởi, thực tế trong nước chưa đào tạo được, còn việc sát hạch, cấp chứng chỉ lái tàu của Cục Đường sắt VN cũng chủ yếu mang tính chất thủ tục hành chính.
Liên quan đến nhân lực, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận, khai thác vận hành các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội) cho biết, thông thường thời gian đào tạo lái tàu khoảng 1 năm. “Hiện, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hoàn toàn do chủ đầu tư quản lý, điều phối, công ty chưa có sự phối hợp hay được biết về kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực và cơ cấu tổ chức bộ máy khai thác, vận hành dự án sau này”, ông Ngọc cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận