Xã hội

“Chú bé cứu tàu” thành Chủ tịch MTTQ tỉnh

08/05/2016, 07:50

Một trong ba “chú bé cứu tàu” quả cảm năm xưa giờ đã trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy...

4

Ông Hoàng Đức Thắng

Câu chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, song hình ảnh ba “chú bé cứu tàu” vẫn in sâu trong tâm thức của nhiều thế hệ học sinh những năm 1979 - 1980 của thế kỷ trước. Đó không chỉ là hình tượng được vẽ lên trong sách giáo khoa đạo đức đơn thuần mà được lấy từ chính những tấm gương có thật trong đời sống. Một trong ba “chú bé cứu tàu” ngày ấy là Hoàng Đức Thắng.

Ngỡ ngàng trở thành Người đương thời

Năm 2002, khi Hoàng Đức Thắng đang còn phụ trách chương trình đưa thanh niên của tỉnh ra xây dựng đảo, anh bất ngờ nhận được điện thoại của nhà báo Tạ Bích Loan, Đài Truyền hình Việt Nam mời ra Hà Nội tham gia Chương trình Người đương thời. Cùng đi với anh còn có hai người bạn cùng cứu đoàn tàu năm ấy.

“Lúc đó, chị Tạ Bích Loan nói đã đọc báo, số báo ra tháng 9/1977 về câu chuyện chuyến tàu TL3 từ ga Đồng Hới vào Huế gặp sự cố, khiến tôi rất ngỡ ngàng. Câu chuyện tôi và hai người bạn được đưa vào sách giáo khoa đạo đức hồi đó, có cả hình minh họa ba chú bé, nhưng rất tiếc đến nay tôi không còn giữ được cuốn sách này. Chỉ nhớ là hồi đó, sau sự việc, Trung ương Đoàn đã phát động phong trào Em yêu đường sắt quê em, lan tỏa cho đến tận ngày hôm nay”, vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị nhớ lại.

Thời điểm đó là năm 1977, Quảng Trị khi ấy còn nằm trong tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất. Ngày khai giảng năm đó đến muộn, cậu bé Thắng cùng hai người bạn lớp 7B, Trường THCS Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là Cao Tất Hiến và Phan Ngọc Thiết tung tăng cắp sách tới trường, phấp phới trên vai là những chiếc khăn quàng đỏ còn thơm mùi vải mới. Con đường đến trường của những cậu bé luôn phải băng ngang qua đường tàu. Những đoàn tàu xuôi ngược nối hai miền Nam - Bắc từ lâu đã trở thành ký ức không bao giờ quên của những cậu bé miền quê “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.

Tuy nhiên, đúng ngày hôm ấy, một biến cố bất ngờ xảy ra. Một chiếc máy cày đi qua đường tàu, lưỡi máy cày kéo đường ray lệch với đường tàu 1m, một đoạn dài khoảng hơn 50m. Linh tính mách bảo chắc chắn sẽ xảy ra chuyện lớn nếu có tàu đến, trong khi cả ba cậu bé biết chắc chỉ khoảng một giờ nữa sẽ có đoàn tàu TL3 từ ga Đồng Hới đến Huế sẽ đi qua.

Điều khiến những cậu học sinh lớp 7 không thể lý giải được là thời điểm đó, có rất nhiều người lớn đi qua chứng kiến sự việc nhưng không một ai dừng lại. “Đối với bất kỳ học sinh nào thì ngày khai giảng luôn là sự kiện trọng đại. Nhưng khi phải đứng trước sự lựa chọn thì mọi sự lại trở nên rất đơn giản: Phải cứu tàu, rồi sau đó đến lớp chấp nhận kỷ luật”, ông Thắng bồi hồi nhớ lại thời khắc đặc biệt năm xưa.

Nghĩ là làm, ba cậu bé vội vàng đi ngược ra phía Bắc gần 1km, đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì tiếng còi tàu TL3 đã hú vang, đoàn tàu sầm sập lao tới. Trong khi còn chưa biết làm gì hơn, cả ba nhảy ra giữa đường tàu, cởi khăn quàng đỏ gào thét và vẫy liên tục. Dù đang di chuyển với tốc độ khá nhanh nhưng cuối cùng đoàn tàu cũng đã dừng lại khi chỉ còn cách điểm xảy ra sự cố không bao xa. Để rồi khi xuống tàu, chứng kiến sự việc, hàng trăm hành khách trên đoàn tàu TL3 mới tá hỏa và chỉ biết nói lời cảm ơn ba cậu bé dũng cảm. 

Sau chuyện này, năm 1978, cậu bé Thắng vinh dự là học sinh tiêu biểu được đi dự trại hè thiếu nhi quốc tế và tham dự Festival lần thứ XI tại Cuba. Trên các trang báo Thiếu niên Tiền phong hồi đó đầy ắp bài viết về những chú bé cứu tàu. Cũng nhân sự việc này, Trung ương Đoàn đã phát động phong trào Em yêu đường sắt quê em và hình ảnh những chú bé cứu tàu được đưa vào sách dạy đạo đức. Sự kiện này cũng đã được ghi lại trong lịch sử của Đội Thiếu niên tiền phong, lịch sử ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị. 

Ba cậu bé dũng cảm bây giờ mỗi người một việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên gặp nhau mỗi khi có điều kiện.

5

Ông Hoàng Đức Thắng tiếp nhận hỗ trợ của Ủy Ban MTTQ Việt Nam cho ngư dân Quảng Trị

Bố cứu tàu, con cứu bạn

Nhưng câu chuyện của 39 năm về trước chưa khi nào bị lãng quên, bởi tinh thần dũng cảm của cậu bé Hoàng Đức Thắng ngày nào như được truyền lại cho cô con gái nhỏ Hoàng Lê Phương Thanh của ông. Đó lại là một câu chuyện bất ngờ thú vị khác. Năm  2000, khi ấy cô bé Phương Thanh mới tròn 6 tuổi, trong một lần đi chơi với bạn, do mải đuổi theo bóng bay, cô bạn của Thanh rơi tuột xuống một cái giếng của nhà hàng xóm đang làm dở, trong giếng có khoảng 5m nước. Thấy bạn chới với, bé Thanh ào tới, một tay bám vào cành cây ổi, một tay giữ chặt bạn, kêu gào người tới cứu kịp thời. Hành động dũng cảm ấy của cô bé về sau đã được tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, giống hệt những gì mà người bố năm xưa đã từng làm, từng nhận.

“Con gái tôi giờ đã học năm thứ 4 của một trường đại học, nhưng có lẽ cháu cũng chưa thể hiểu hết ý nghĩa về hành động của mình, cũng như tôi ngày ấy. Sau này, khi trải qua nhiều năm tháng khó khăn trong cuộc sống, tôi mới ngộ ra một điều, cứu một người phúc đẳng hà sa. Bây giờ hơn 50 tuổi rồi, cứu tàu chính là việc tử tế nhất mà tôi đã làm được”, ông Thắng chia sẻ và tâm sự, đôi lúc ông cảm thấy hơi chạnh lòng, bởi trong cuộc sống hôm nay, đâu đó sự sợ hãi, vô cảm vẫn đang len lỏi, ngự trị. Đối diện với hiểm nguy, không phải ai cũng vượt qua được nỗi sợ hãi, chiến thắng nỗi sợ hãi.

“Không có chuyện không đi đâu được thì vào Mặt trận”

Chia sẻ trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, khi được hỏi “Bây giờ vẫn còn quan niệm cán bộ không đi đâu được nữa thì cho vào Mặt trận?”, ông Thắng thẳng thắn: “Cái này đúng như thế nhưng gần đây có một xu thế mới, không biết các tỉnh khác thế nào nhưng Mặt trận Quảng Trị cũng đã bắt đầu có một xu thế mới. Tôi nghĩ, quan trọng là Mặt trận phải thực sự hấp dẫn mới thu hút được mọi người. Vẫn có khi ai đó về Mặt trận cảm thấy cái gì đó mặc cảm, yếu thế nhưng để khắc phục cái này là cả một vấn đề về công tác cán bộ”.

Theo ông Thắng, việc chọn người tài, người giỏi về Mặt trận không khó lắm. Nhưng vấn đề là chọn những người tài, người giỏi bằng cơ chế, chính sách gì để thu hút được họ.

“Tôi suy nghĩ chủ quan là có lẽ là bằng hai tính chất. Cái thứ nhất là tổ chức Mặt trận đó phải làm sáng lên, khẳng định lên để nó có giá trị đích thực. Để người ta thấy họ vào tổ chức đó là vinh dự, được về làm Mặt trận là một sự vinh dự. Chính bản thân tổ chức Mặt trận khẳng định được địa vị xã hội của họ thì nó mới có sức lan tỏa.

Thứ hai là phải có những chính sách để thu hút, hỗ trợ cho cán bộ Mặt trận. Sau đó là về đó rõ ràng là có liên quan đến chính sách đào tạo, luân chuyển, đừng để anh em làm Mặt trận khi vào cũng Mặt trận mà khi ra cũng Mặt trận. Làm sao để người ta rèn luyện trưởng thành rồi thông qua đó tạo cho họ cơ hội, nhất là các cán bộ trẻ. Chẳng hạn như bây giờ về Mặt trận, ông Phó chủ tịch mà phụ cấp có 0,7, trưởng/phó ban phụ cấp có 0,5 thôi thì chắc không đủ sức hấp dẫn đâu”, ông Thắng bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.