Xương và dị bản bò tót đực được phục chế, trưng bày tại Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: Bùi Phụ |
Kể từ khi người dân ở Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) phát hiện một chú bò tót cường tráng, từ bỏ đại ngàn chạy theo “tiếng sét ái tình” về sống với những “cô” bò nhà cho đến chết... nay đàn bò tót đã phát triển lên hơn 20 con to khỏe, có cặp sừng cong vút. Từ đàn bò tót này, hứa hẹn trong tương lai nơi đây sẽ còn cho ra đời đàn bò tót lai khỏe mạnh.
“Ông tổ mê gái”
Tiếng đồn về chú bò tót rừng mà người dân Phan Rang ví là “ông tổ mê gái” đã thúc giục chúng tôi lên đường. Từ trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm, theo QL27 khoảng 40km rẽ phải đi thêm khoảng 40km đường rừng rậm, hun hút nữa sẽ đến khu hành chính Vườn quốc gia Phước Bình. Nói là đường rừng nhưng con đường đã được trải nhựa cách đây vài năm, chạy xuyên qua dãy núi trùng điệp với đèo dốc quanh co (thuộc một nhánh của dãy Trường Sơn Đông hùng vĩ). Một bên núi đá dựng đứng, một bên vực sâu, dưới là dòng sông Cái nước trong xanh, uốn lượn theo chân núi thơ mộng, đẹp đến mê người...
Đây là nơi mỗi khi con gà rừng cất tiếng gáy, cả 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa đều nghe thấy. Khí hậu ở đây mát mẻ, đất đai phì nhiêu, trồng được nhiều loại cây ăn trái rất tốt như: Bưởi da xanh, bơ sáp, mít, sầu riêng, chôm chôm... Cảm nhận với chúng tôi là vùng đất này thanh bình, đáng sống, không khí trong lành, con người thân thiện...
Anh Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Phước Bình tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi. Dẫn chúng tôi băng qua cầu treo vượt sông Cái, đi thêm một đoạn đường mòn, xuyên qua những rẫy bắp bên triền suối của người dân đến chân núi Tà Nin, anh Tuấn cho biết đã đến nơi đàn bò tót đang sinh sống.
Theo lời anh Tuấn, ban ngày đàn bò tót lang thang kiếm ăn trong khu vực rộng hơn 2ha, ban đêm chúng vào chuồng có mái che nghỉ. “Những chú bò tót đang chăm sóc ở đây khoảng 6-7 tuổi, là con của bò tót đực đã bỏ rừng xanh chạy theo “tiếng sét ái tình” về với bò nhà. Đây cũng là kết quả đẹp qua những lần “ái ân vụng trộm đầy mặn nồng” bên bờ suối giữa bò tót cha và cô “vợ” bò nhà. Nói theo khoa học, đây chính là những chú bò tót F1...”, anh Tuấn vui giọng.
Theo quan sát của chúng tôi, bao quanh khu này có hàng rào dây kẽm gai, trụ sắt của Vườn quốc gia Phước Bình dựng lên nhằm bảo vệ an toàn cho đàn bò tót lai. Những chú bò tót ở đây con nào cũng cao to, trên trán có xoáy vàng, 2 cái sừng cong vút trông rất kiêu hãnh. Bộ lông đen tuyền và bóng mượt. Bò tót khác bò nhà ở chỗ không có cục u trên lưng, thay vào đó, một xương sống nổi cao chạy dài từ giữa dọc sống lưng lên gần đầu.
Mặc dù “cha rừng, mẹ nhà” nhưng những chú bò tót này vẫn đầy bản năng hoang dã, hung dữ. Phát hiện người lạ đến gần hàng rào, từ xa chúng đã chĩa cặp sừng, mắt căng nhìn về hướng chúng tôi trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến.
Trong số những con bò tót đen thui, cao to, chúng tôi thấy có vài con bò cái vàng, dáng nhỏ hơn đang được mấy chàng bò tót ve vãn. Thấy tôi thắc mắc, anh Tuấn thông tin: những “cô” vàng là bò nhà, được Ban quản lý thả vào sống chung nhằm mục đích làm “bạn tình” cho những chàng bò tót. Theo lời anh Tuấn, bò tót rừng có nhu cầu tình dục rất cao và chỉ yêu mỗi con 1 lần duy nhất. Khi còn sống, bò tót đực quan hệ với bò cái nhà mỗi “cô” chỉ 1 lần và lần nào cũng sâu đậm, lâu hơn bò nhà. Do đó, mỗi lần quan hệ xong, các “cô” bò nhà “hạnh phúc” đến phát bệnh. Các chú bò tót con sau này cũng “mê gái” như bò cha nên Ban quản lý phải trông coi và thường xuyên thay đổi các “cô” bò nhà để phục vụ cho bò tót đực. Việc này cũng phục vụ rất nhiều cho công tác nghiên cứu, thụ tinh...”, anh Tuấn lý giải.
Anh Tuấn cho biết, sau hơn 5 năm đưa vào trang trại chăn nuôi, đàn bò tót lai phát triển rất tốt, con nặng nhất khoảng 800kg, to gấp 3 lần so với bò nhà cùng lứa tuổi. Ưu điểm của bò tót lai rất khỏe mạnh, chưa hề có biểu hiện đau ốm. Chúng ăn rất tốt, thức ăn chủ yếu là cỏ xanh, các loài thân cây khác như ngô (bắp) mía...
Các chú bò tót F1 đang ve vãn một cô bò nhà - Ảnh:Bùi Phụ |
Nghiên cứu, hy vọng ra F2
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, chuyện giao phối giữa bò tót và bò nhà đã cho ra đời đàn bò tót F1 khỏe mạnh. Để duy trì và phát triển nguồn gen quý hiếm từ bò tót, Vườn quốc gia Phước Bình đã mua lại tất cả các con bò tót lai (cả đực và cái) của người dân rồi tạo rừng thưa dưới chân núi cho phù hợp với môi trường sống của bò tót. Việc này nhằm nghiên cứu khoa học, giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus).
Cũng theo ông Vân, vừa qua Viện Vật lý hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng) đã giám định nhiễm sắc thể và cho kết quả, tất cả 10 con bò lai đang nuôi tại trang trại đều có nhiễm sắc thể là 2N = 58; trong khi đó cặp nhiễm sắc thể của bò nhà là 2N = 60 và bò tót rừng là 2N = 56.
“Dù có sự khác biệt giữa bò nhà và bò tót rừng nhưng cặp nhiễm sắc thể chẵn của bò tót lai đã có cơ sở hy vọng lai với các giống bò nhà để cho ra đời thế hệ bò tót F2. Ngoài ra, có nhiều nhà khoa học từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới cũng đến đây tìm hiểu nghiên cứu về gen bò tót F1. Hiện, Vườn quốc gia Phước Bình đang cho giao phối thử nghiệm giữa bò tót lai F1 với nhau. Sau đó, cho con đực lai F1 với bò cái lai Sind giao phối và ngược lại cho bò cái lai F1 giao phối với bò đực lai Sind, để chọn thế hệ F2 hoàn hảo”, ông Tuấn nói và cho biết thêm: Nếu thành công, thế hệ F2 sẽ là nguồn gen quý hiếm có nhiều đặc tính nổi trội của bò tót rừng để đưa vào nhân rộng trong chăn nuôi.
Bò tót chỉ đứng sau loài hổ về hung dữ Bò tót rừng tên khoa học Bos gaurus, trưởng thành cao đến 1,9m, nặng 800-1.000kg, chân trắng, mình đen, hung dữ chỉ đứng sau loài hổ. Các chuyên gia động vật học thế giới đã công nhận loài bò tót Việt Nam là một trong những loài bò tự nhiên to nhất thế giới. Ở Việt Nam hiện còn khoảng 300 con, được xếp vào nhóm động vật nguy cấp cần bảo tồn. Tại Ninh Thuận, số liệu gần đây cho thấy, có khoảng 3 đàn bò tót đang sinh sống. Hai đàn sống tại Vườn quốc gia Phước Bình, một số con sống lấn sang Vườn quốc gia Biduop (Khánh Hòa). Một đàn ít con sống tại Ma Nới (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Bò tót rừng được phát hiện lần đầu tiên sống chung với bò nhà tại ở Vườn quốc gia Phước Bình khoảng tháng 9/2008. Trong thời gian 6 năm sống chung với bò nhà, các nhà khoa học xác định bò tót đực đã giao phối với hơn 20 bò cái nhà, sinh ra hơn 20 bò con lai (F1) gồm cả đực lẫn cái. Bò tót đực chết ngày 8/3/2015 do lớn tuổi. Lần đầu tiên về làng, bò tót đã húc bị thương 3 người, húc chết một con bò đực dân nuôi và phá nát gần 20ha rẫy bắp, đậu của bà con Rắc - lây sát tiểu khu 25 khiến nhiều bà con khu vực này phải bỏ hoang nương rẫy để tránh sự truy sát của bò tót... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận