Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí làm rõ các thông tin liên quan đến thời gian thu phí, tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng tại dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Văn bản do ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc đơn vị này ký cho biết, thời gian qua, một số thông tin cho rằng, trung bình mỗi ngày trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng thu gần 2 tỷ đồng. Như vậy, trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ cần 9 năm thu đủ so với mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, không cần tới 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT, khoảng thời gian chênh gần gấp đôi.
Theo ông Oánh, những thông tin trên là không có căn cứ. Doanh số thu phí trong 5 tháng đầu năm 2019 của trạm là hơn 324 tỷ đồng. Trong đó, doanh số thu phí của tháng cao nhất là hơn 70 tỷ đồng; doanh số thu phí của tháng thấp nhất là hơn 60 tỷ đồng. Từ số thu trên, tính trung bình mỗi tháng trạm thu 64,8 tỷ đồng, mỗi ngày khoảng 2,1 tỷ đồng.
“Việc xác định thời gian thu phí được Bộ GTVT xây dựng theo phương án tài chính và các số liệu thực tế được cập nhật thường xuyên vào phương án như: Tổng mức đầu tư thực hiện, chi phí trả lãi vay ngân hàng năm, chi phí vận hành khai thác, chi phí duy tu bảo trì, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, doanh thu thực tế hàng năm”, ông Oánh thông tin.
Cũng theo ông Oánh, thời gian thu phí trong phương án tài chính của dự án được tính toán theo nguyên tắc: Lấy nguồn thu từ thu phí trừ đi chi phí trong quá trình vận hành, khai thác. Số tiền còn lại từ thu phí hàng ngày được cân đối là dòng tiền để hoàn vốn hàng năm và khi dòng tiền hàng năm này đủ để hoàn trả hết phần vốn vay (cả tiền gốc và lãi xuất) đối với phần vốn vay ngân hàng mà công ty được phép huy động theo quy định, đồng thời trả hết vốn tự có (bao gồm cả số gốc và lợi nhuận trên số vốn góp) của nhà đầu tư phải huy động theo quy định, sau đó nhà đầu tư phải hoàn trả lại công trình cho Nhà nước và dừng thu phí.
Từ mức thu của dự án thời gian qua, vào ngày 12/10/2017, Bộ GTVT đã thống nhất với Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ về thời gian dự kiến thu phí còn 15 năm 6 tháng thay vì 17 năm 3 tháng như phương án ban đầu (giảm 1 năm 8 tháng). Thời gian thu phí thực tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh căn cứ vào lưu lượng và doanh thu thực tế, được cập nhật thường xuyên vào phương án tài chính.
“Vừa qua, một số phương tiện truyền thông cho rằng, trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ cần 9 năm sẽ thu đủ so với mức đầu tư 6.731 tỷ đồng là chưa chính xác và không có cơ sở”, ông Oánh thông tin.
Liên quan đến tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, ông Oánh cho biết, ngày 13/12/2018, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2666 về việc phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở bổ sung hạng mục thu phí điện tử không dừng. “Hiện nay, chúng tôi đã tích cực triển khai trên tất cả các làn thu phí đều thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng và đảm bảo tiến độ thực hiện xong trong quý 3/2019, xong trước so với yêu cầu của Bộ GTVT tối thiểu 3 tháng”, ông Oánh khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận