Đời sống

Chủ động dự báo lũ, xâm nhập mặn, ứng phó thiên tai ở ĐBSCL

23/07/2019, 07:03

Các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát hành trình, cảnh báo thiên tai...

img
Lãnh đạo Bộ NN&PTNN và tỉnh Cà Mau tham gia trồng rừng tại khu vực bãi bồi sau kè Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Ảnh: Gia Minh

Trong hai ngày 19 và 20/7, tại Cà Mau, diễn ra hội nghị về Phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Nam 2019, do Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTT (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, trong mùa lũ 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2. Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

Trong các tháng 10-12, do ảnh hưởng của gió mùa và không khí lạnh mạnh, có khả năng gây sóng lớn 2-3m ven biển Đông Nam bộ. Nhiều đợt triều cường cao với mực nước tại trạm Vũng Tàu vượt 4m xuất hiện vào các ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, các ngày giữa và cuối của tháng 11 và 12/2019.

Năm 2018, tại ĐBSCL lũ đạt mức trên báo động 2 sau 7 năm không có lũ lớn, tác động tới 4 tỉnh thượng nguồn và 4 tỉnh hạ du vùng lũ. Lũ lên nhanh, sớm hơn và đạt đỉnh ở mức trên báo động 2 từ 0,1-0,2m (tại trạm Tân Châu ở mức 4,09m vào ngày 10/9, trên báo động 2 là 0,009m; tại trạm Châu Đốc ở mức 3,72m vào ngày 13/9 trên báo động 2 là 0,22m) thấp hơn năm 2000, 2011 từ 0,77-0,97m; duy trì ở mức cao đến giữa tháng 10 sau đó xuống nhanh. Đồng thời, mực nước tại một số trạm hạ lưu vượt mức lịch sử 0,04-0,08m do lũ kết hợp với triều cường.
Lũ đã làm thiệt hại hơn 1.800ha lúa, hơn 177ha hoa màu; vỡ đê bao triệt để vùng giáp ranh huyện Tam Nông - Tháp Mười (Đồng Tháp); sạt lở bờ sông Hậu (An Giang) với chiều dài 102m và một số tuyến giao thông bị ngập.


Hiện khu vực ĐBSCL có trên 31.000km đê bao, bờ bao các loại, trong đó có 34,5km đê bao chống lũ triệt để đã phân cấp III thuộc các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Long An; 582,6km đê biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang thuộc Chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (trong đó, đã hoàn thành 306km đê, 35km kè, 225 cống, 1.500ha cây chắn sóng).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong những năm gần đây, nhận thức về phòng chống thiên tai của nhân dân ĐBSCL đã tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có những lúc chúng ta còn chủ quan, lơ là đối với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

“Dự báo mới nhất, khoảng từ năm 2025-2030, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 7%, giảm rất nhiều, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông rất đáng quan tâm. Hiện nay, chúng ta mới có 13/19 tỉnh có xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, 6 tỉnh còn lại phải khẩn trương hoàn thiện phương án”, ông Hiệp thông tin và đề nghị các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát hành trình, cảnh báo thiên tai như: Trạm đo mưa, cắm biển cảnh báo sạt lở, giám sát nguồn nước; cảnh báo, dự báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, cảnh báo sét, đặc biệt phải kiểm soát được số lượng tàu, thuyền, có nơi neo đậu tránh trú đảm bảo an toàn.

“Những chỗ nào dân cư tập trung, chúng ta phải có giải pháp phòng, chống sạt lở. Huy động các nguồn lực xã hội để tiếp tục xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, từng bước bố trí, xắp xếp lại dân cư sống trong vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở nguy hiểm”, ông Hiệp lưu ý với các địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, đặc biệt là dự báo lũ, xâm nhập mặn sớm (khoảng 30 ngày) để chủ động ứng phó và kịp thời điều chỉnh mùa vụ sản xuất. Củng cố nâng cấp hệ thống đê biển kết hợp với xây dựng hệ thống cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở ĐBSCL. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp (phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, video, sổ tay, website, mạng xã hội, tin nhắn và các công cụ truyền thống, bản địa...) cho nhân dân, học sinh, cộng đồng.

Dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao tặng Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 9 tập thể và 12 cá nhân thuộc khu vực miền Nam có thành tích xuất sắc và đột xuất trong công tác chỉ đạo, ứng phó, thông tin và khắc phục hậu quả do thiên tai năm 2018.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị về PCTT khu vực miền Nam 2019, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh ĐBSCL tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.