Giấy test hết hoặc gần hết hiệu lực, phương tiện phải quay đầu
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều chủ phương tiện vận tải thủy phản ánh về chốt kiểm dịch ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (giáp ranh xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) và Trạm CSGT Đường thủy (Công an tỉnh Hậu Giang) trên tuyến kinh xáng Xà No buộc họ phải quay đầu trong những ngày qua.
Theo phản ánh của chủ phương tiện đường thủy, khi di chuyển sà lan, tàu... theo kênh xáng Xà No đến chốt kiểm dịch hoặc Trạm CSGT Đường thủy tại huyện Châu Thành A, nơi đây không hề có điểm test. Dù phương tiện có đăng ký vận chuyển hàng hóa thiết yếu... đầy đủ cũng quay đầu nếu giấy test hết hoặc gần hết hạn.
Chủ phương tiện quay lại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ lấy giấy test nhanh.
"Như vậy, nếu sà lan của tôi di chuyển từ tỉnh Long An xuống Cà Mau, khi qua địa bàn Hậu Giang (chỉ đi ngang) mà giấy test còn rất ít thời gian (chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ) cũng bị quay đầu ra thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền để test.
Quay đầu khoảng 16km, sà lan lớn di chuyển rất khó khăn và đi phải ngược hành trình để ghé thị trấn Phong Điền. Nếu ghé Phong Điền test như vậy đã vi phạm quy định "1 cung đường 2 điểm đến".
Tại sao chốt kiểm dịch không có điểm test để tiện lợi cho anh em thuyền viên của chúng tôi? Quay đầu lại vừa mất thời gian vừa khó khăn vì phương tiện lớn, sông thì nhỏ", anh T. - chủ phương tiện thủy ở Long An chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Lì, chủ ghe ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ nói: "Nếu như chốt kiểm dịch ở kinh xáng Xà No mà có luôn test nhanh thì đỡ khổ lắm. Vì ghe chạy trong mùa dịch này rất ít chuyến mà giấy test nhanh chỉ thời hạn 72 giờ.
Khi chạy đi lấy hàng thêm chuyến nữa phải đi test lại. Mà trên bờ cũng chốt, dưới sông cũng vậy nên việc đi lại rất khó khăn.
Mong cơ quan chức năng bố trí điểm chốt kiểm dịch đường thủy thì cần có nơi test nhanh để lưu thông hàng hóa kịp thời và thuận tiện hơn".
Sáng 18/9, trao đổi với PV, ông Trần Văn Chính, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết cũng thấy cái khó khăn của lực lượng vận tải hàng hoá đường thủy.
"Qua phản ánh của chủ phương tiện đường thủy, tôi sẽ báo cáo và tham mưu lên lãnh đạo tỉnh để bố trí sắp xếp chốt và điểm test thuận tiện lưu thông đường thủy".
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang cho biết đến nay toàn bộ tuyến đường thủy chưa được hướng dẫn triển khai luồng xanh như đường bộ. Vì vậy, phương tiện đi ngang hoặc vào địa bàn Hậu Giang phải chủ động về thủ tục, có tất cả các giấy tờ liên quan mới được vào địa bàn tỉnh.
Nếu chủ phương tiện phản ánh với PV Báo Giao thông về vấn đề chốt kiểm dịch phải có điểm test nhanh, tôi sẽ ghi nhận, chỉ đạo Sở GTVT rà soát và báo cáo với Trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, và sẽ bố trí điểm test trên địa bàn đường thủy".
Thương lái lo lắng khi mua xong hàng hóa thì giấy test cũng hết thời hạn, không qua lại chốt được.
Cần tạo điều kiện cho vận tải thủy
Theo ông Nguyễn Long, Trưởng phòng Vận tải (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), để việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thuận lợi, các cảng vụ đường thủy nội địa cần tạo điều kiện tối đa, làm thủ tục vào, rời cảng, bến nhanh nhất; đẩy mạnh làm thủ tục trực tuyến.
Cụ thể, các phương tiện thủy khi vào, rời cảng bến thủy do đơn vị quản lý chỉ cần gửi hình ảnh, giấy tờ thuyền viên, phương tiện cho cảng vụ là được tiếp nhận, giải quyết thủ tục nhanh chóng để vào, rời cảng bến.
Chủ trương chung là không hạn chế hoạt động đối với phương tiện thủy vận tải hàng hóa trên các tuyến đường thủy quốc gia, góp phần duy trì cung ứng vận tải hàng hóa, vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất.
Tuy nhiên những ngày gần đây, do dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam, khiến một số địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/TTg siết chặt kiểm soát vận tải thủy nội địa qua địa bàn.
Chủ phương tiện đậu ghe lên điểm test ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Phương tiện thủy có thời gian hành trình 3-5 ngày và thuyền viên chỉ ở trên tàu. Nếu đã có kết quả xét nghiệm tại cảng, bến xuất phát, khi đến tỉnh khác cũng bị hết thời gian và thuyền viên phải đi xét nghiệm lại, gặp rất nhiều khó khăn để tìm nơi xét nghiệm. Vì vậy, vấn đề này cần được các địa phương thống nhất giải quyết đồng bộ.
Theo Công văn 1588/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT: "... Trong thời gian phương tiện hành trình trên tuyến, nếu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hết hiệu lực, thì tổ chức test nhanh cho thuyền viên, người lái phương tiện.
Trường hợp không có test nhanh tại chỗ hoặc test nhanh lưu động thì được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế".
Trước đó, ngày 27/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản đề nghị phối hợp đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa hiện nay đều được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu trên các tuyến đường thủy, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận