Bất động sản

Chủ nhà mặt phố “méo mặt” vì vắng khách thuê

07/01/2025, 06:16

Sức mua giảm, đặc biệt là xu hướng mua sắm online lên ngôi khiến nhiều chủ nhà mặt phố từ chỗ "ngồi mát ăn bát vàng" giờ đứng ngồi không yên.

Áp lực của người thuê

Chị Hương, chủ một cửa hàng đồ gia dụng nhỏ trên phố Kim Mã, Hà Nội cho biết: Để thuê mặt bằng có diện tích 80m2, chị đang phải chi trả 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, xu hướng mua sắm online ngày càng phát triển khiến lượng khách ghé cửa hàng giảm mạnh.

Chủ nhà mặt phố “méo mặt” vì vắng khách thuê- Ảnh 1.

Loạt mặt bằng nhà phố treo biển cho thuê tại phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội (chụp tháng 12/2024). Ảnh: Ngọc Diễm.

"Trước đây, mỗi ngày tôi bán được hàng chục sản phẩm, nhưng giờ may lắm mới có vài người ghé qua. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, điện nước không ngừng tăng. Tôi đã cố gắng duy trì gần một năm qua, nhưng không thể cầm cự thêm. Vài hôm nữa tôi sẽ trả mặt bằng", chị Hương cho hay.

Ghi nhận của PV, không chỉ riêng chị Hương hay nhiều chủ cửa hàng trên tuyến phố Kim Mã, làn sóng trả mặt bằng đã lan rộng ra nhiều nơi tại Hà Nội.

Anh Nam, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Bà Triệu, chia sẻ câu chuyện đầy áp lực khi phải duy trì mặt bằng với mức thuê lên đến 60 triệu đồng/tháng. Cửa hàng của anh nằm ở vị trí đẹp, từng là nơi thu hút đông đảo khách hàng. Nhưng từ khi kinh tế khó khăn và mua sắm online trở thành xu hướng, doanh số liên tục sụt giảm.

"Để thu hút khách, tôi đã liên tục chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại hiệu quả", anh Nam thở dài và cho biết, có những tháng, doanh thu không đủ bù tiền thuê mặt bằng, chưa tính các chi phí khác.

Dù đã cố gắng xoay xở, nhưng áp lực tài chính ngày càng đè nặng khiến anh đang cân nhắc trả lại mặt bằng.

Chủ nhà khó kiếm khách thuê

Ông Bình, chủ một mặt bằng rộng 120m2 tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cho biết, trước đại dịch Covid-19, mặt bằng của ông luôn là lựa chọn hàng đầu cho các cửa hàng thời trang, quán ăn và chuỗi kinh doanh nhờ vị trí đẹp, diện tích rộng rãi. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn để giành được quyền thuê.

Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước. Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, mọi thứ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch. Ngay cả khi dịch qua đi, lượng người hỏi thuê giảm dần. Ban đầu còn có một số khách thuê ngắn hạn, nhưng chỉ được 3 tháng, 6 tháng là họ lại trả mặt bằng.

Trước đây, mặt bằng của ông từng cho thuê với giá 80 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn 60 triệu đồng, song suốt gần một năm qua vẫn không có ai hỏi. "Mặt bằng để trống cả năm nay, lại phát sinh thêm chi phí bảo trì, dọn dẹp, lãi vay mua nhà", ông chia sẻ.

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh mặt phố, mà ngay cả các trung tâm thương mại – vốn được xem là biểu tượng của mua sắm hiện đại cũng đang chịu chung tình cảnh ảm đạm. Lượng khách đến tham quan và mua sắm ngày càng giảm, dẫn đến làn sóng trả lại mặt bằng diễn ra không kém gì các khu phố sầm uất. Nhiều gian hàng bị bỏ trống hàng tháng trời, trong khi ban quản lý cũng gặp khó khăn trong việc tìm người thuê mới, ngay cả khi đã giảm giá.

Hiện tại, chỉ một số ít trung tâm thương mại duy trì được lượng khách ổn định và đông đảo như Aeon Mall hay Lotte Tây Hồ… Những nơi này không chỉ dựa vào mua sắm mà còn tích hợp nhiều tiện ích vui chơi, giải trí đa dạng, phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi đầu tư lớn và sự đồng bộ trong cách vận hành, điều mà không phải trung tâm thương mại nào cũng có thể đáp ứng.

Xu hướng tất yếu của thị trường

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn, sức mua suy giảm là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thuê mặt bằng nhà phố. Điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp nhỏ lẻ và hộ kinh doanh đối mặt với khó khăn, mà còn buộc nhiều cửa hàng lớn phải nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi.

Trước đây, các hộ kinh doanh thường chọn các tuyến đường lớn, khu vực trung tâm để vừa buôn bán vừa quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, trong bối hiện nay, việc duy trì mặt bằng tại những vị trí đắc địa với chi phí thuê cao trở thành gánh nặng. Nhiều doanh nghiệp đã quyết định rút lui về các khu vực vùng ven, ngõ nhỏ hoặc hẻm sâu để tiết kiệm chi phí. Một số khác thậm chí chuyển hoàn toàn sang kinh doanh trực tuyến để giảm áp lực tài chính.

Trong khi đó, theo nhận định của Savills Hà Nội, tình trạng nhiều nhà phố bị bỏ trống hiện nay là hệ quả từ việc giá thuê vượt quá khả năng chi trả của người thuê, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trên cơ sở đó, các chủ sở hữu mặt bằng cần nhìn nhận lại giá trị thực tế của bất động sản mình đang nắm giữ và điều chỉnh giá thuê sao cho phù hợp với tình hình thị trường. Việc cố duy trì hoặc tăng giá thuê quá cao không chỉ khiến mặt bằng bị bỏ trống lâu dài mà còn làm mất đi cơ hội khai thác tiềm năng từ những người thuê có nhu cầu thực sự.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến và sự biến động của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục định hình thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Các trung tâm thương mại, nhà phố hoặc khu vực kinh doanh truyền thống sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thương mại điện tử, nơi người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh và mua sắm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.