Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng |
Sáng 24/10, phát biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng đã nêu nhiều ý kiến về một số vấn đề quan trọng.
Theo ông Vượng, trong tình hình khó khăn, bước vào năm 2017, bên cạnh những thuận lợi có nhiều thách thức nội tại lớn. Ông cũng cho rằng chúng ta phải ghi nhận việc đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng theo tinh thần nghị quyết T.Ư 4 khoá XII.
Đồng tình với các phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nhưng ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh một số vấn đề cần phân tích chi tiết.
Thứ nhất, chúng ta có các thành phần kinh tế như có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước. Nếu phân tích kỹ thì sự phát triển vừa qua phần nhiều là ở kinh tế tư nhân. Điều này chúng ta phải hết sức chú ý.
"Hiện nay đây là thành phần quan trọng làm cho kinh tế chúng ta phát triển nhưng cứ để lâu dài thế này theo tôi chưa phải là tốt. Vì nội lực nền kinh tế của đất nước mới là quan trọng. Đầu tư nước ngoài chỉ bổ sung cho nội lực kinh tế phát triển. Xưa nay chúng ta nói là chủ trương nội địa hoá, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là chỗ này. Nếu không thì "ông" Sam Sung rút đi rồi thì chả còn gì của mình. Hiện tại thì rất là tốt rồi nhưng tương lai lâu dài cần phải xem kỹ", ông Vượng phân tích.
Vấn đề thứ hai, ông Vượng cho rằng phải có cơ chế đột phá để huy động được nguồn vốn xã hội.
Đặc biệt, đề cập đến lĩnh vực đầu tư theo hình thức BOT đang được báo chí và dư luận quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư nhấn mạnh chủ trương BOT là rất đúng. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội là cần thiết.
"Báo chí cũng phải nói mặt tích cực chứ không nên chỉ nói mặt tiêu cực. BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng. Không có nguồn lực xã hội thì làm sao làm được, các nước cũng thế thôi. Đây chính là huy động nguồn lực, quan trọng là chúng ta ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “tay không bắt giặc”. Anh phải làm BOT bằng thực sự nguồn vốn của anh", ông Vượng nêu quan điểm.
Ông cũng cho rằng, cần phải phát triển mạnh mẽ hình thức này để làm cơ sở hạ tầng, bởi không còn cách nào khác khi vốn ngân sách không có để làm. "Vấn đề là làm sao cho minh bạch, lành mạnh", ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận