Nhiều thuyền viên bị đào thải sau "sốt ảo"
Mấy năm nay, Công ty CP Hàng hải Liên Minh vẫn duy trì số lượng khoảng 700 thuyền viên để cung ứng cho các đối tác nước ngoài là các chủ tàu từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Trước đó, thời điểm dịch Covid-19, thị trường thuyền viên có dấu hiệu khan hiếm, song công ty cũng không tuyển thêm nhiều người.
Giờ đây, khi khối thuyền viên của Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ hay Myanmar trở lại, thuyền viên Việt Nam chịu sự cạnh tranh và bị đào thải nên có dấu hiệu dư thừa. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn chỉ duy trì quân số hiện có.
Những tưởng đó là nghịch lý, song theo ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Minh, thị trường chỉ "thừa người chất lượng kém": "Nhiều chủ tàu nước ngoài chấp nhận trả lương cao để hút thuyền viên Việt Nam thời điểm đó, song chỉ là "sốt ảo". Để đáp ứng, doanh nghiệp đã phải "vơ bèo vạt tép", chấp nhận cả những người có trình độ kém, mới học nghề. Thế nên, khi thuyền viên các nước khác trở lại, thuyền viên chất lượng kém lập tức bị đào thải".
Theo giới chuyên môn, khoảng thời gian dịch bệnh, nhờ có phương tiện hành nghề nên khả năng chuyên môn của các thuyền viên cũng tăng lên. So với các thuyền viên nước khác, thuyền viên Việt được đánh giá thông minh hơn, tiếp thu nhanh nhưng sức khỏe yếu, tiếng Anh kém và độ chuyên nghiệp chưa bằng thuyền viên Philippines. Bởi thế sau dịch, thuyền viên Việt là lực lượng bị đào thải nhiều hơn.
Siết tiêu chí chọn thuyền viên
Ông Đặng Hồng Trường, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco) cho hay, trước đây, khi chủ tàu nước ngoài hút thuyền viên Việt, chủ tàu nội không có sự lựa chọn nên phải chấp nhận cả những thuyền viên kém chất lượng cho đủ định biên.
Theo ông Trường, doanh nghiệp vận tải biển tư nhân có lợi thế hơn bởi họ thường ký hợp đồng ngắn hạn với thuyền viên theo từng chuyến hoặc theo năm. Song với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước muốn duy trì ổn định lâu dài với người lao động nên thường ký hợp đồng dài hạn. Do đó, để tuyển thuyền viên phải chọn lọc rất kỹ. Tuy vậy, vẫn có những thời điểm thiếu các chức danh, doanh nghiệp phải tuyển thêm người nhưng chỉ ký ngắn hạn.
"Tiêu chí chọn thuyền viên vẫn vậy, nhưng trước đây không có nhiều lựa chọn nên dù biết họ không đủ đảm bảo, doanh nghiệp vẫn phải tuyển. Còn giờ, vòng phỏng vấn gắt gao hơn", ông Trường nói và cho biết, các thuyền viên sau khi xuống tàu làm việc sẽ có thuyền trưởng và máy trưởng nhận xét, đánh giá. Từ đó, Vosco sẽ cân nhắc để điều động người trong những chuyến tiếp theo.
Lãnh đạo Vosco nói thêm, nhiều chủ tàu hiện nay đầu tư tàu lớn, đắt đỏ nên tiêu chí chọn thuyền viên càng cao, dẫn tới cạnh tranh về nhân lực chuyên môn giỏi. Trong bối cảnh tâm lý người đi biển hiện nay ít gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, có nhiều sự lựa chọn, công ty phải tìm cách giữ nhân lực chất lượng bằng các chế độ phúc lợi, công đoàn.
Thiếu người giỏi
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp vận tải biển thời gian qua đều nâng các tiêu chí chọn thuyền viên. Với từng chức danh, sẽ có những yêu cầu cụ thể về thời gian đi tàu, loại tàu từng đi, kinh nghiệm làm việc trên các loại tàu, tuyến tàu, hành trình hay vùng hoạt động của tàu... Trình độ ngoại ngữ cũng yêu cầu cao hơn với điểm số của các chứng chỉ ngoại ngữ như TOEIC, đặc biệt với các thuyền viên phỏng vấn để đi tàu tuyến quốc tế.
Các chuyên gia đánh giá, thuyền viên Việt Nam ít có xu hướng bám nghề. Đi biển vất vả nên nhiều người lên tới chức danh sỹ quan quản lý, lương cao, có tiền là lại về bờ. Đây là một trong những lý do ngành hàng hải luôn thiếu sỹ quan.
Một doanh nghiệp cung ứng thuyền viên nhận định, các chủ tàu nước ngoài ngày càng siết chặt hơn về tiêu chí chất lượng thuyền viên để tránh tối đa sự cố, rủi ro, thất thoát chi phí. Bởi vậy mà dù thị trường có nhiều lựa chọn song vẫn luôn thiếu người giỏi. Đây là bài toán khó với các đơn vị cung ứng thuyền viên.
"Không thể vì thị trường dư thừa nhân lực mà tham lam nhận thêm tàu. Bởi nếu có sự cố, doanh nghiệp sẽ lãnh đủ. Khi đó, thuyền viên Việt Nam mất việc, doanh nghiệp cũng mất uy tín với đối tác", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, hiện nay có hơn 60.000 thuyền viên Việt Nam tham gia thị trường lao động hàng hải, tăng mạnh về số lượng so với thời điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện tượng dư thừa nhân lực chỉ ở những chức danh thủy thủ, thợ máy. Lực lượng sỹ quan, nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn ít và tăng trưởng khá chậm.
Thống kê hết năm 2023, số lượng sỹ quan, đại phó, thuyền trưởng và các chức danh như máy trưởng, máy hai chỉ hơn 22.000 người, trong khi số lượng thủy thủ, thợ máy lên tới hơn 38.000 nhân lực.
Sự thiếu hụt các chức danh sỹ quan có thể thấy rõ qua sự tăng trưởng về số lượng của các chức danh trên tàu biển. Giai đoạn từ 2011-2021, trong khi số lượng thủy thủ, thợ máy tăng gần 23% thì số lượng sỹ quan vận hành chỉ tăng khoảng 2,4%. Trong thời gian ngắn, quy mô đào tạo suy giảm hơn 3 lần và dự đoán tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận