Xã hội

Chủ tịch Bình Định chỉ đạo "nóng" khi kiểm tra hiện trường sạt lở sau mưa

16/11/2021, 19:21

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu địa phương lập các chốt chặn tại những vùng có nguy cơ sạt lở, không cho người dân vào để đảm bảo an toàn.

Ngày 16/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu qủa mưa lũ trên địa bàn.

Dân mất ngủ bên bờ sông sạt lở

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Gút (thôn Thế Thạnh 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) không tài nào ngủ được vì thấp thỏm lo sợ. Bờ sông Kim Sơn phía trước nhà bà bị sạt lở nghiêm trọng, nước tiến sát vào mấp mé vườn nhà bà. Nhiều đoạn bị sạt dạng hàm ếch, nguy cơ sạt lở thường trực.

img

Bờ sông Kim Sơn, đoạn qua xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân sạt lở nghiêm trọng, tiến sát đường giao thông liên xã và khu dân cư

“Những ngày mưa lớn, nước sông cuồn cuộn khiến nhiều đoạn bờ sông ngay phía trước nhà tôi bị sạt nặng. Chứng kiến nhiều cây cổ thụ bị nước cuốn trôi khiến cả gia đình tôi lo sợ. Tối không tài nào ngủ được, chỉ cần nghe tiếng ầm ầm lại giật thót tim, soi đèn nhìn ra xem thử đã sạt lở đến đâu”, bà Gút nói.

Bờ sông Kim Sơn đoạn qua địa bàn xã Ân Thạnh bị sạt lở từ những năm qua, ăn sâu vào khu dân cư đến cả 30m, đặc biệt mùa mưa lũ năm nay, tình trạng sạt lở diễn ra nặng hơn. Một số đoạn thuộc thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh, sạt lở đã tiến sát đường bê tông liên xã. Nhiều diện tích đất, cây cối đã bị cuốn trôi theo dòng nước đục ngầu cuồn cuộn.

Theo UBND huyện Hoài Ân, đoạn sông Kim Sơn qua xã Ân Đức bị sạt lở với chiều dài trên 1,5km. Ngoài ra, đoạn qua địa bàn thôn Nhơn Sơn, Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) cũng bị sạt lở bờ sông với chiều dài 420m và đoạn qua thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín) bị sạt lở trên 500m.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã cho rào chắn ở những khu vực đang sạt lở, những khu vực gần nhà dân để không cho họ vào. Những đoạn bị sạt lở gần đường giao thông, đã phối hợp với đơn vị thi công gia cố tạm thời nhằm tránh sạt lở thêm. Năm sau, sẽ cho xây kè qua khu vực này để ngăn sạt lở vào khu dân cư.

Ngoài ra, nước lũ dâng cao đã khiến một số khu vực ở huyện Hoài Ân bị ngập. Tuyến Đường ĐT629 lên An Lão bị ngập cục bộ một số đoạn. Đến 16h chiều 16/11, giao thông từ Hoài Ân lên huyện An Lão qua tuyến này vẫn còn bị chia cắt.

Những ngày qua, mưa lũ cũng đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn TX.Hoài Nhơn bị thiệt hại nặng. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn cho biết, mưa lũ những ngày ua đã khiến 128 ngôi nhà bị ngập. Ngôi nhà của bà Lê Thị Chiều (phường Hoài Tân) bị sập một phần, hơn 3ha rau màu của người dân bị nước lũ ngập úng.

Hơn 200m đường giao thông qua địa bàn các xã Hoài Sơn, Hoài Phú bị sạt lở. Một đoạn núi sạt xuống tuyến đường ĐT639 giữa xã Mỹ Đức và Hoài Mỹ khiến giao thông bị chia cắt.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long kiểm tra đập ngăn mặn Lại Giang tại TX.Hoài Nhơn

Đảm bảo tính mạng người dân là trên hết

Trực tiếp kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, những ngày qua trên địa bàn mưa rất lớn, các sông nước lên cao, nguy cơ ngập lụt thường trực. Do đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương phải chủ động các phương án phòng chống bão lũ với phương châm 4 tại chỗ.

Đặc biệt ưu tiên di dời khẩn cấp người dân ở những vùng nguy cơ sạt lở cao và vùng ngập úng. Đây là yêu cầu tiên quyết trong việc đảm bảo tính mạng người dân.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu các lực lượng túc trực thường xuyên, không cho người dân vào vùng sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng

Để chủ động ứng phó lũ lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN và PTNT, các công ty vận hành liên hồ chứa theo đúng quy định để đảm bảo an toàn hồ đập. Đối với những vùng xung yếu, nguy cơ cao, cử các lực lượng ứng trực 24/24 để cảnh báo cho người dân ở lưu vực sông và các vùng sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

“Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng, đối với địa bàn Bình Định, có những con sông chia cắt từ Tây xuống Đông, dòng nước chảy rất xiết. Do đó, thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh tập trung tham mưu với Bộ NN và PTNT, sử dụng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh xây dựng các đập chứa nước để vừa tích nước, phục vụ sản xuất mùa khô và cắt lũ trong mùa mưa. Có thể thấy, hồ Đồng Mít (An Lão) phát huy giá trị cắt lũ cho các vùng phía Bắc của tỉnh rất hiệu quả.

Chúng tôi cũng đã cho chủ trương cải tạo lớn, sửa chữa 12 hồ tại những vùng xung yếu. Giao địa phương nghiên cứu di dời người dân ở 12 vùng xung yếu này đi nơi khác. Đảm bảo làm sao lấy an toàn tính mạng người dân lên trên hết”, ông Long chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết thêm, hiện nay nhiều khu vực đồi núi ở Bình Định đang sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là những khu vực đồi núi đá phong hóa, nguy cơ sạt lở rất cao. Do đó, đã chỉ đạo địa phương lập các chốt chặn ở những nơi có nguy cơ sạt lở, giống như QL1D và các địa điểm khác trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời ứng phó. Sau đợt mưa lũ lớn này, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành tập trung khảo sát, đánh giá lại địa chất ở những khu vực sạt lở vừa qua để có giải pháp tổng thể nhằm xử lý hiệu quả, đảm bảo an toàn cho những năm tiếp theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.