Sáng 6/9, HĐND Tp. Hà Nội đã có phiên họp giải trình của về cung cấp nước sạch cho người dân.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND Tp. Nguyễn Đức Chung cho biết, với phương châm "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", thành phố đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân, trong đó có chất lượng nước sạch.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ các bất cập tồn tại như tình trạng nước ở vùng nông thôn chưa đảm bảo, thiếu nước mùa khô; cấp nước sạch ở nông thôn trước đây không hiệu quả, có dự án có dấu hiệu sai phạm. “Không lý do gì cách nhau một “sợi chỉ”, bên này là phường, bên kia là xã mà mỗi nơi lại sử dụng nước chất lượng khác nhau”, ông Chung nhấn mạnh.
Để khắc phục những bất cập trên, Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và các Bộ cho phép Hà Nội đưa chức năng quản lý toàn bộ nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng và có nhiều cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Cụ thể, từ giữa năm 2016, thành phố đưa các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt công khai để kêu gọi đầu tư. Hà Nội cũng thay đổi cách kêu gọi đầu tư; đề nghị thêm các nhà máy nước các tỉnh lân cận, đầu tư đường ống để cung cấp ngược lại cho thành phố; yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có như: nhà máy nước Vân Trì, nhà máy nước mặt sông Đà, trạm cấp nước Dương Nội....
Đáng chú ý, thành phố cũng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức ở Dương Nội, Hà Đông.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu, 3 năm qua, tập thể UBND thành phố đã tổ chức 37 lần họp với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng, mà điển hình như dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã giải phóng mặt bằng 100 hec ta trong vòng 4 tháng; thi công đường ống; kết nối ngân hàng đồng hành về vốn; thí điểm xây dựng hệ thống cấp nước ở nông thôn ở 3 huyện để triển khai rộng rãi...
“Tại sao nước sạch được kéo đến tận nơi nhưng vẫn có người dân chưa dùng?” - Chủ tịch UBND thành phố lý giải nguyên nhân do thói quen người dân là chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm để đỡ tốn kém. Việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, thành phố sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các doanh nghiệp cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa...
“Thành phố rất cần sự đồng thuận rất cao của người dân trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch chính là đảm bảo sức khỏe của mình”, Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận