Một cây xanh bị chặt ở thủ đô Hà Nội trong những ngày qua |
Như Báo Giao thông đã đưa tin, liên quan đến chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên 19 tuyến phố của Thủ đô, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã có một bức thư ngỏ gửi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Ngày 18/3/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có chính thức có văn bản hồi đáp ông Tuấn vê vấn đề này.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã gửi lời cảm ơn đến nhà báo Trần Đăng Tuấn đã tham gia đóng góp ý kiến và cho biết đã đọc bức thư ngỏ trên một số báo và trang mạng cá nhân.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng rà soát lại việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố đảm bảo theo đúng kế hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị; khi thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận của nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội thông tin trên các báo, đài về việc cải tạo thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố,
Ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Với trách nhiệm Chủ tịch UBND Thành phố, tôi luôn cố gắng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức và mọi người dân, từ đó chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển Thủ đô".
Trong một diễn biến khác có liên quan, sáng 19/3, tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Chủ trương đề án chặt hạ, thay thế cây xanh, thông tin kém đến mức cả những người làm công tác truyền thông, cho đến người dân không hiểu hết về đề án", ông Thảo nói.
Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook phản đối việc chặt 6.700 cây xanh |
Theo VnExpress, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong khi thực tế đó là kế hoạch từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...
"Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ; hoàn toàn không phải vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này", ông Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo thành phố, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông. Trên thực tế đã có việc cây đổ gãy gây tai nạn chết người.
Liên quan những ý kiến chưa đồng thuận, Chủ tịch Hà Nội cho hay thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, nhưng cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào.
Báo cáo lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: "Những cây to, lượng gỗ lớn sẽ được thu hồi và tổ chức bán đấu giá, nộp ngân sách. Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh, như vậy thì làm gì có lợi ích cá nhân trong việc này", ông Dục khẳng định".
Trước đó, khi Hà Nội đưa thông tin về việc sẽ chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh ở thành phố, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối.
Một cuộc vận động được thực hiện với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội và Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội yêu cầu dừng ngay việc chặt cây để hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia, đồng thời công khai lộ trình và lí do chặt cây đã ra đời trên mạng xã hội và được nhiệt tình hưởng ứng.
Đến thời điểm chiều tối ngày 19/3, đã có hơn 8.400 lượt ký vào thư ngỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận