Ngày 11/6, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin có bài đăng trên Telegram, bao gồm bảng so sánh GDP của các quốc gia được ông Volodin gọi là nhóm "G8 mới" và các quốc gia G7, dựa trên dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông Volodin chỉ ra: “Nhóm 8 quốc gia không tham gia cuộc chiến trừng phạt Nga gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có GDP cao hơn so với nhóm G7 24.4%”.
Theo quan chức Nga, nền kinh tế của các quốc gia G7 gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia và Canada đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Các quan chức NATO, EC chụp ảnh cùng các lãnh đạo G7. Ảnh - Reuters
Chủ tịch Hạ viện Nga còn cho rằng, trong bối cảnh đang gặp thách thức nghiêm trọng về kinh tế, Mỹ đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề của họ bằng cách gây bất lợi cho các quốc gia khác. Càng tạo ra căng thẳng, Mỹ chỉ càng đánh mất vị thế trên toàn cầu mà thôi - ông Volodin nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Hạ viện Nga, “tự tay Mỹ đã tạo điều kiện cho các quốc gia muốn xây dựng đối thoại bình đẳng và quan hệ lợi ích với Nga hình thành một nhóm G8 mới”.
Trước đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có đánh giá rằng chính những sai lầm trong chính sách trừng phạt, chính sách kinh tế trong nhiều năm qua của các nước phương Tây đã dẫn tới làn sóng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất, đói nghèo, thiếu hụt lương thực trên toàn cầu.
Vế phía Mỹ, ngày 10/6, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Eric Woodhouse cho biết Washington và các đồng minh đã ý thức được những hệ luỵ từ các biện pháp trừng phạt Nga có thể lan sang nền kinh tế của Mỹ và đồng minh. Song, theo ông Woodhouse, việc Mỹ và đồng minh kiên quyết áp đặt các lệnh trừng phạt Nga là minh chứng cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả.
Cùng ngày 10/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận các lệnh trừng phạt Nga đã đẩy giá năng lượng, thực phẩm biến động mạnh trong khi lạm phát tại Mỹ đang tăng kỷ lục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận