Vết nứt tại Km 82+500 - Km 83+500 Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai |
Tại văn bản trên, Chủ tịch Keangnam cho rằng, hai gói thầu A4, A5, Dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai do nhà thầu này thi công được triển khai theo đúng thông lệ quốc tế FIDIC. Theo đó, các đơn vị Tư vấn, nhà thầu đều là các công ty có uy tín được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế như: Tư vấn thiết kế OC (Nhật Bản), Tư vấn giám sát Getinsa (Tây Ban Nha).
Tuy nhiên, khi đưa công trình vào khai thác đã xảy ra dự cố lún, nứt mặt đường tại Km 82+500 – Km 83+500, gây nhiều bức xúc trong dư luận Việt Nam.
Ông Jang Hae Nam cho rằng, đây là sự cố kỹ thuật khách quan. Nguyên nhân chính do điều kiện địa chất bất thường, gây mất ổn định cho kết cấu mặt đường. Vấn đề này cũng đã được Tư vấn, nhà thầu lường trước sự phức tạp của nền đất yếu có thể xảy ra sự cố bất thường. Vì thế, nhà thầu và tư vấn đã lắp dựng hệ thống quan trắc, theo dõi để xử lý khi có sự cố xảy ra. Trường hợp này cũng đã từng xảy ra trên một số dự án quốc tế.
“Trong quá trình thi công xây dựng Dự án, nhà thầu đã tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Tư vấn. Đồng thời, chúng tôi cũng khẳng định, giữa Chủ đầu tư, Tư vấn và nhà thầu Kengnam không hề có tiêu cực trong quá trình triển khai thi công dự án”, ông Jang Hae Nam khẳng định.
Với trách nhiệm là nhà thầu chính của Dự án, lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Kengnam gửi lời xin lỗi tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những chậm trễ trong thi công hai gói thầu A4, A5. Bên cạnh đó, đơn vị này cam kết sẽ sử dụng mọi nguồn lực của Tập đoàn khắc phục, sửa chữa triệt để sự cố lún nứt tại Km82+500 – Km83+500, Dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Trước đó, ngày 17/10, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về tình hình xử lý vết nứt mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Văn bản báo cáo do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký nêu rõ, vết nứt xuất hiện bên trái tuyến (hướng Nội Bài - Lào Cai) với chiều dài 73m (Km 82+997-Km 83+070 thuộc gói thầu A4). Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện địa chất biến đổi bất thường trong phạm vi giữa hai lỗ khoan khảo sát địa chất đã thực hiện trong bước thiết kế bản vẽ thi công. Kết quả khoan khảo sát địa chất bổ sung cho thấy, tại vị trí tim của vết nứt có lớp đất yếu dày từ 6 - 7m nằm trực tiếp trên nền đá phong hóa có độ nghiêng khoảng 30o, nền đường đắp cao từ 7 - 9m kết hợp với điều kiện bất lợi do hai bên nền đường bị tích nước nên đã gây ra trượt và nứt.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các bên liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp nhằm giải quyết triệt để vết nứt nhằm đảm bảo chất lượng và ổn định lâu dài cho công trình, hoàn thành công tác thiết kế xử lý trước ngày 20/10/2014, thời gian thi công xử lý dự kiến khoảng 2 tháng.
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận