Không thể bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19
Sáng nay (21/10), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, trong đó có việc lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết phương thức hiện nay đã không còn “no COVID” mà chuyển sang thích ứng với COVID-19 bằng những phương thức đã nói như 5K, vaccine, thuốc.
"Chúng ta không thể bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19. Chúng ta đừng chuyển từ thực tả sang thực hữu, vấn đề này dẫn đến hậu quả rất xấu cho đất nước. Nói như vậy để không được chủ quan, không đơn giản hoá, thích ứng nhưng phải có kiểm soát tốt, phải đề cao cảnh giác", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng nêu ra những ổ dịch mới vừa diễn ra ở Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ… để nhấn mạnh việc không chủ quan, đề cao cảnh giác. Chủ tịch nước nhắc đến việc không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế xã hội. Đây mặc dù là yêu cầu rất lớn hiện nay nhưng vẫn phải có tinh thần đề cao cảnh giác.
Dịch COVID-19 đang rất đe doạ nước ta và các nước trên thế giới. Do đó, trong thời gian này, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rất nặng nề.
Về kinh tế xã hội, Chủ tịch nước đề nghị dù có khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương nhưng tổng thu vẫn tốt, nguồn thu ngân sách trung ương vẫn hơn 20.000 tỉ. Nước ta đã xuất một số quỹ ra để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội.
Nhân đây, Chủ tịch nước cũng nhắc đến tấm lòng của doanh nghiệp, công trạng của nhân dân là vô cùng lớn. Do đó chúng ta phải biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hoá để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh.
“Nhìn chung tình hình kinh tế xã hội có những khó khăn nhất định nhưng khi dần mở cửa một bước thì không khí làm ăn của các doanh nghiệp cả nước hết sức tốt. Bên cạnh nhiều tấm gương tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… thì có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TP.HCM”, Chủ tịch nước nói.
Trong đó riêng TP.HCM đã có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc. Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch, sống chung với dịch với điều kiện cụ thể (vaccine +5K). Niềm tin vào một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với một động lực có cơ sở.
Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu đến con số 6,5% GDP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
WHO đánh giá cao chúng ta về phòng chống dịch
Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 được nhân dân rất quan tâm. Hiện nay, vi rút Covid-19 xuất hiện biến chủng Delta khiến không chỉ chúng ta mà cả thế giới cũng bất ngờ trong ứng phó.
"Chủng mới này nồng độ vi rút cao nên lây lan nhanh, chu kỳ lây lan nhanh hơn chủng cũ, chỉ cần 48 tiếng. Chủng mới cũng rất ít có biểu hiện ban đầu, vì vậy khó khăn trong việc phát hiện sớm, khoanh vùng sớm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, cá biệt, chủng mới này còn có khả năng lây qua không khí. Lấy ví dụ, người đứng đầu Chính phủ cho biết, tại TP.HCM có ổ dịch "mở cửa sổ thôi nhưng nhà bên cạnh vẫn bị lây".
Thủ tướng cho biết, thời gian qua chúng ta đã thực hiện chống dịch bằng ba trụ cột, giãn cách - cách ly, xét nghiệm và điều trị.
"Thứ nhất là giãn cách và cách ly thì phải là nhanh nhất, hẹp nhất chặt nhất có thể để tránh lây lan ra diện rộng. Trụ cột thứ 2 là xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Trụ cột thứ 3 là điều trị, điều trị phải rất tích cực và phải từ sớm thì mới giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đã chuyển hướng, không chỉ là 5K trong phòng chống dịch mà phải có vaccine để phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó là kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật, các ứng dụng truy vết, khai báo y tế.
"Điều quan trọng là phát huy sức mạnh của toàn dân, vì vậy chúng ta mới triển khai "mỗi xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ". Điều này của chúng ta được WHO đánh giá cao", Thủ tướng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận