10 năm qua không xử lý được một ngân hàng 0 đồng nào
Sáng nay (24/10), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội (KTXH).
Phát biểu ý kiến thảo luận tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về KTXH, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
"Nói điều này không phải tự khen đất nước mình, nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng. Vừa qua, tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước thì cơ bản đều đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả phát triển KTXH ở Việt Nam thời gian qua", ông Võ Văn Thưởng nói.
Tuy vậy, Chủ tịch nước chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn. Nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được. Nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ rất hạn chế.
"Thị trường bất động sản trong gần hai năm qua, chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa? Hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chưa giải quyết được triệt để? Thậm chí, đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng nhưng đến giờ chúng ta cũng chưa xử lý dứt điểm được", Chủ tịch nước dẫn chứng.
Cũng theo Chủ tịch nước, chúng ta có chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện chậm. Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu cũng nói "con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm". Nói cách khác, tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu.
Đề cập Chương trình phục hồi phát triển KTXH sau Covid-19, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kỳ vọng rất lớn, quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm.
"Hay đầu tư công, tưởng không có tiền để chi tiêu mới khó, nhưng mà có tiền rồi vẫn không chi tiêu được. Báo cáo cho thấy, còn nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân đầu tư công dưới 50%", Chủ tịch nước nêu vấn đề.
Để dưới không hỏi lên, trên không với xuống
Đề cập nguyên nhân, Chủ tịch nước thẳng thắn chỉ rõ việc phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.
Kết luận của Đảng có nêu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng là từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Làm sao để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới.
"Nhưng điều này chúng ta chưa thực hiện được", ông Võ Văn Thưởng nói và nêu thực tế quyền hạn không rõ, cứ mỗi lần đi hỏi thì mất tối thiểu là ba tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là "làm theo quy định của pháp luật".
Bên cạnh đó là tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách. Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong cái lĩnh vực đó. Cho nên nhiều chuyện không chịu phân cấp hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rồi nhưng phân cấp rất khó khăn.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. "Cán bộ làm sai; nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết sẽ bị xử lý kỷ luật. Nhưng mà cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật mà khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối, thì chưa ai bị làm sao hết", Chủ tịch nước nói.
Dân gặp khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến luật pháp
Vấn đề thứ ba là tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Theo Chủ tịch nước, "sợ sai thì đúng, làm mà không sợ sai mới chết". Song, "sợ sai để mình làm kỹ hơn, sợ sai để mình nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi mình quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ".
Nhưng Chủ tịch nước có cảm nhận dường như cán bộ nắm quy định không rõ, cứ nói khó mà không rõ khó chỗ nào, khó làm sao, gỡ như thế nào.
"Ông chuyên viên nói khó, ông trưởng phòng nói khó, ông phó giám đốc sở nói khó, cuối cùng tới ông giám đốc sở cũng nói khó, tới phó chủ tịch, chủ tịch UBND cũng nói khó theo. Cuối cùng mọi chuyện là nằm tại chỗ hết, không có giải quyết", Chủ tịch nước cho biết.
Chủ tịch nước lưu ý, trước hết từng địa phương phải thực sự làm, phải thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu. Còn chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng, chậm tháo gỡ thì dân biết kêu ai?
"Dân bây giờ đụng chuyện là nghĩ tới coi mình có quen với ai không, tư duy đó phản ánh mặt tiêu cực của xã hội. Dân gặp khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, đến luật pháp mới là tư duy lành mạnh và chúng ta sẽ hướng tới điều đó", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước mong đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương khi có việc gặp phải vướng mắc thì chỉ rõ, cụ thể vướng luật nào, nghị định nào, thông tư nào, còn cứ nói chung chung thì "mày mò cũng khó".
"Chúng ta cần nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, những trở ngại để mà tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận