Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai từ trái sang) tại APEC 21 năm 2013 được tổ chức tại Indonesia |
APEC 22 diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng, thách thức ở một số điểm như Ukraine, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, căng thẳng Trung Đông… trở nên gay gắt. Tuy nhiên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Hội nghị APEC năm nay sẽ tập trung: Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; Đẩy mạnh phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; Tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.
Chiều qua (7/11), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 26 của APEC đã khai mạc. Tham dự có các bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), hai đồng Chủ tịch Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Tổng thư ký ASEAN, và đại diện Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương được mời tham dự với tư cách khách mời của Hội nghị. Dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị.
Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị trong giai đoạn mới, hợp tác và liên kết của APEC cần gắn bó chặt chẽ và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng giảm khoảng cách phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và ứng phó với các thách thức toàn cầu. APEC cũng cần tiếp tục coi trọng trụ cột hợp tác kinh tế - kỹ thuật (ECOTECH), hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển và tính đến trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên trong triển khai hợp tác. Phó Thủ tướng đánh giá cao và đề nghị các thành viên tiếp tục hỗ trợ tích cực các chương trình liên kết, kết nối tiểu vùng và khu vực, trong đó có nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục cùng các thành viên nỗ lực nâng tầm liên kết khu vực và đề cao vị thế của Diễn đàn trong một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng.
Trước đó, ngày 5/11, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), mở đầu cho chuỗi sự kiện trong Tuần hội nghị cấp cao APEC diễn ra từ ngày 5-11/11.
Dự kiến Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 sẽ thông qua 15 văn kiện, trong đó có Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo cấp cao và Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng.
Tham dự Tuần Hội nghị cấp cao APEC, ngoài các nguyên thủ và quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên, còn có hơn 1500 doanh nhân đến từ 500 doanh nghiệp nước ngoài thuộc 20 nền kinh tế thành viên, 16 quốc gia và khu vực khác và 500 doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó có sự góp mặt của 130 doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp này đều là các doanh nghiệp đi đầu trong mọi ngành nghề, hoạt động trong 20 lĩnh vực như chế tạo, tài chính, dịch vụ thương mại, khai khoáng và công nghệ thông tin. |
Q.M
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận