Kỳ cuối: Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn
Đến nay, TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, dần tiến tới trạng thái “bình thường mới”. Hà Nội sau những nỗ lực rất lớn cũng đã kiểm soát được dịch bệnh, nhiều ngày không có ca nhiễm.
Nhiều địa phương khác cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại… Thành quả này có đóng góp rất lớn từ mỗi “chiến sĩ” - những người dân và từng “pháo đài” - các tổ dân phố, xã, phường. Không ít người trong số họ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống dịch.
Bà Phạm Thị Thanh Trà (trái), Bí thư Đảng uỷ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM đến khu dân cư phát túi an sinh cho người dân Ảnh: Đặng Đại
Nới lỏng nhưng không chủ quan
Hiệp Phú là phường cuối cùng ở TP Thủ Đức (TP.HCM) dỡ bỏ những chốt kiểm soát dịch bệnh ở khu dân cư vào cuối tuần qua.
Chủ tịch phường Nguyễn Lê Hiệp thở phào: “Biết là việc này có gây phiền toái cho bà con nhưng không dám chủ quan, vẫn giữ nguyên tắc “an toàn mới mở - mở phải an toàn”. Cam go mấy tháng trời, không thể lơi lỏng được. Dù từ ngày 1/10 TP.HCM đã nới lỏng mức độ giãn cách xã hội nhưng ở phường, tất cả cán bộ, công chức đều đi làm 7 ngày/tuần. Việc vẫn còn căng”.
LTS: Trong công tác phòng, chống dịch, với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, vai trò và công việc của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở trở nên đặc biệt quan trọng.
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài Chủ tịch phường thời Covid-19 với mong muốn độc giả hiểu thêm về cuộc sống và công việc của những cán bộ sát dân nhất trong những ngày "chiến đấu" với dịch bệnh cam go và vô cùng vất vả này.
Tại Hà Nội, dù mức độ dịch bệnh không căng thẳng như ở TP.HCM nhưng cán bộ phường, từ lãnh đạo đến nhân viên cũng đều quay như đèn cù.
Anh Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch phường Thành Công cho biết, dù không còn “3 tại chỗ” nhưng cường độ làm việc của mình và cán bộ, công chức phường vẫn như suốt 3 tháng qua.
Anh Lâm cho biết, ngay những ngày đầu tiên khi TP Hà Nội cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát và nhìn bài học từ TP.HCM, phường đã tức tốc họp để vạch ra đường hướng chống dịch và thống nhất sự chỉ đạo.
Theo đó, cùng với chủ trương của Chính phủ, phường thống nhất nguyên tắc “phường là pháo đài, các chi bộ ở khu dân cư là hạt nhân nòng cốt”. Nhờ đó đã xây dựng vững chắc 49 chốt “vùng xanh”, tạo nên hệ thống liên hoàn “pháo đài chống dịch” trong các khu dân cư.
Không những thế, ở từng khu phố, các đảng viên, Bí thư chi bộ là hạt nhân nòng cốt và năng nổ nhất trong mọi hoạt động hàng ngày tại các chốt.
“Nhờ sự nêu gương của những đảng viên nòng cốt này, đã có 450 quần chúng tích cực tham gia các hoạt động ròng rã trong 3 tháng qua mà không nhận một đồng thù lao nào”, anh Lâm cho biết.
Cũng vậy, ở phường Hiệp Phú, phường Linh Trung (TP Thủ Đức), phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP.HCM), các Bí thư, Chủ tịch phường đều nhìn nhận: Chính sự thống nhất chỉ đạo và huy động sức mạnh tập thể của cấp ủy, của các chi bộ khu phố đã góp phần rất lớn làm nên thành quả chống dịch ở từng phường, từng quận.
“Nếu không, cuộc chiến này sẽ còn gay go”, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư phường Phú Thọ Hòa nói. Đây là một trong những phường “đỏ lửa” ở TP.HCM với hơn 2.000 ca nhiễm Covid-19. “Nhiều cán bộ phường, cán bộ khu phố nhiễm bệnh. Một số đã không qua khỏi… Chúng tôi rất đau lòng nhưng không nao núng”, bà Trà chia sẻ.
Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch phường Linh Trung (TP Thủ Đức) nhìn nhận, không có sự đồng tâm, hiệp lực và một lòng từ trên xuống dưới của lãnh đạo, cán bộ phường và người dân thì khó mà đạt được những thành quả chống dịch như vừa qua.
Trong khi nhiều phường khác còn dò xét, “nặng nhẹ” nhau việc ai được nhận gói hỗ trợ, ai không thì ở phường Linh Trung có trên 1.600 người xin không nhận suất này, nhường phần kinh phí đó cho TP chống dịch. “Đó là sự đồng lòng rất cao mà không có sự lãnh đạo xuyên suốt thì không làm được”, ông Hưng nói.
Hy sinh và trui rèn trong khắc nghiệt
Anh Nguyễn Lê Hiệp, Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) trực tiếp cầm loa điều hành buổi tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi Ảnh: Đặng Đại
18 người dân, cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế ở TP.HCM vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khốc liệt và trở về với gia đình trong bình tro cốt.
Và còn nhiều người khác nữa. Đồng đội, đồng nghiệp cúi đầu tiễn biệt mà không thể tiễn nhau. Người nằm xuống đã ra đi. Nhưng cuộc chiến với người ở lại vẫn chưa ngưng nghỉ, vẫn đang tiếp diễn.
Chiều muộn 7/10, khi trời nhá nhem, nhiều con phố ở TP.HCM vẫn còn người dân đứng xếp hàng nhận gói hỗ trợ đợt 3. Cán bộ khu phố, cảnh sát khu vực làm việc không ngơi nghỉ.
Anh Đinh Thái Hoàng Sang, Bí thư chi bộ khu phố 3 (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) cho biết: Trước ngày 15/10 phải phát xong toàn bộ gói hỗ trợ này cho dân nên tất cả đều tốc lực làm việc.
“Những ngày này đỡ rồi, chứ 3 tháng vừa qua chúng tôi làm việc từ 6h sáng tới 11h - 12h đêm”, Sang nói. Anh còn trẻ, chưa tới 40 nhưng tóc bạc trắng, chẳng ăn nhập gì với khuôn mặt còn chưa dấu chân chim.
Anh cười ngượng nghịu: “Mới 3 tháng mà vậy đó, trước đó chỉ vài ba sợi bạc”. Sang quản lý 20 tổ dân phố với 60 tình nguyện viên. Rất nhiều người trong số đó đã là F0 và có 2 người ra đi vĩnh viễn.
Ở Hà Nội, TP.HCM hay bất cứ nơi nào khác, những ngày chiến đấu không ngưng nghỉ vừa qua chẳng ai nề hà giờ giấc, thời gian, phụ cấp. Anh Ngô Ngọc Lâm cho biết, suốt hai tháng qua, cán bộ phường Thành Công chỉ biết lăn xả vào “tuyến lửa”.
Theo quy định, từ ngày 1/7, theo mô hình chính quyền đô thị thì phường chỉ là một đơn vị cấp phòng tương đương thuộc quận, do đó mọi hoạt động liên quan tới ngân sách đều phải xin từ quận.
“Trong đợt dịch này, mỗi người tham gia phòng, chống dịch được hỗ trợ 130.000 đồng/ngày nhưng những cán bộ hưởng lương từ ngân sách như chúng tôi sẽ không được nhận”, anh Lâm cho biết. Dù vậy, anh nói “điều đó không quan trọng”.
Có một khoản để cán bộ hưởng lương ngân sách được phụ cấp là “làm thêm giờ, không quá 200 giờ/năm” nhưng anh Lâm cười: “Nếu cứ so đo, tính toán thời gian - thu nhập thì thời gian qua chẳng ai trụ nổi với áp lực công việc.
Chưa kể khi phát hiện ca nhiễm mới, lúc này thời gian là thứ cấp thiết nhất, nếu cứ theo quy trình báo cáo, đề nghị hỗ trợ (thiết bị), tính toán điều động nhân lực, kinh phí… thì đã qua “thời gian vàng”. Chống dịch là trên hết. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn: Sau này gặp khó khăn trong thanh quyết toán thì chúng tôi chẳng biết phải làm sao…”.
Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, song nguy cơ vẫn còn đó. Cuộc chiến chưa ngưng nghỉ mà chỉ bước vào giai đoạn mới. Chủ tịch phường Hiệp Phú Nguyễn Lê Hiệp đúc kết: “Môi trường khắc nghiệp như vừa qua không ai mong muốn nhưng đó chính là nơi trui rèn chúng tôi mạnh mẽ hơn”.
Kỳ 1: Trăm dâu đổ đầu... Chủ tịch
Kỳ 2: Hai tháng không về nhà, chưa lần ngủ đủ giấc
Kỳ 3: Trăm việc rối, tỷ người tìm
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên ĐBQH Khóa XIII, trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua, mỗi “pháo đài” - các xã, phường, thị trấn đã trở thành chỗ dựa vững chắc, che chắn, hỗ trợ bảo vệ người dân chống lại dịch bệnh Covid-19.
Bởi lẽ, chính quyền cấp này là nơi gần dân nhất, có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với nhân dân, đến với dân nhanh nhất.
“Muốn thực hiện điều nay thì người đứng đầu, cụ thể, ở đây là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải thể hiện tốt nhất vai trò của người đứng đầu.
Không chỉ là hô hào khẩu hiệu, mà còn phải trực tiếp xắn tay vào công việc cụ thể, phải nắm chắc tình hình dịch bệnh của địa phương thế nào từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp”, bà An nói và cho rằng, thực tế đã chứng minh, nơi nào chính quyền cơ sở có lãnh đạo sát sao với công việc, nắm chắc chủ trương chống dịch của Chính phủ, của tỉnh, thành, huyện, từ đó có những vận dụng phù hợp với tình hình địa phương mình thì nơi đó dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Ngược lại nếu ở đâu đó có sự lơi lỏng giám sát, chỉ đạo của người đứng đầu cấp cơ sở thì nơi đó hiệu quả chống dịch chưa cao.
Phùng Đô
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận