Xã hội

Chủ tịch phường thời Covid-19: Hai tháng không về nhà, chưa lần ngủ đủ giấc

06/10/2021, 10:02

Ông Phong cũng như nhiều cán bộ của phường ăn nghỉ luôn tại cơ quan để kịp thời xử lý, bất kể làm việc ngoài giờ, ban đêm.

“Chào bác Phong”, “Bác Phong mới xuống!”… bà con hẻm 38 - đang chờ lấy mẫu xét nghiệm lên tiếng chào ông Nguyễn Hải Phong, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Từ tháng 7 tới nay, kể từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, người ta thấy ông đi lại như con thoi.

img

Vừa xử lý hồ sơ, ông Phong liên tiếp nhận và xử lý công việc qua những cuộc gọi

Tất bật từ sáng đến khuya

Sáng nào cũng vậy, chừng hơn 7h sáng, như thường lệ, sau khi xử lý một số văn bản quan trọng ở trụ sở, ông Phong vội vã rời cơ quan đi cơ sở, kiểm tra các điểm xét nghiệm Covid-19 cộng đồng và xử lý hàng loạt công việc khác.

Cuối tháng 7, phường An Cư ghi nhận trường hợp dương tính đầu tiên. Ngay sau đó, lần lượt 15 điểm với 326 hộ dân, 1.182 nhân khẩu bị phong tỏa.

Cũng từ đó thời gian làm việc của ông Phong kín mít, bắt đầu từ sáng sớm đến đêm muộn trong guồng quay vừa làm nhiệm vụ chống dịch, vừa chăm lo an sinh cho bà con.

LTS: Trong công tác phòng, chống dịch, với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, vai trò và công việc của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở trở nên đặc biệt quan trọng.

Báo Giao thông khởi đăng loạt bài Chủ tịch phường thời Covid-19 với mong muốn độc giả hiểu thêm về cuộc sống và công việc của những cán bộ sát dân nhất trong những ngày "chiến đấu" với dịch bệnh cam go và vô cùng vất vả này.

“Chú Phong mới về phường An Cư hơn 1 năm nay thôi nhưng rất sâu sát với bà con, hễ mà có khó khăn gì, chỉ cần nói với chú là chú giải quyết liền. Đặc biệt là người gặp khó trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ở đây, chú thường xuyên tới lui quan tâm, thăm hỏi bà con chúng tôi”, ông Phan Văn Dũng, ngụ khu vực 5 chia sẻ.

Xử lý nhanh một số vấn đề phát sinh, dặn dò lực lượng làm việc chú ý vấn đề đảm bảo khoảng cách, phun khử khuẩn trong toàn bộ quá trình lấy mẫu cho người dân, ông Phong tiếp tục di chuyển đến điểm lấy mẫu khác.

Kiểm tra hết một vòng trên địa bàn phường, ông Phong lại trở về cơ quan bắt tay vào các công việc trong ngày. Trên chiếc bàn làm việc, từng chồng hồ sơ dày cộm với đủ loại báo cáo, văn bản.

Tất cả chủ yếu liên quan tới việc điều tra, truy vết, kế hoạch tiêm vaccine, hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hộ khó khăn, văn bản chỉ đạo của UBND TP, công tác lấy mẫu xét nghiệm…

Kế bên, điện thoại của ông không ngừng báo tin nhắn từ các nhóm của lãnh đạo TP về tình hình chống dịch, các chốt bảo vệ, nhóm phòng chống dịch của phường…

Nhà ông Phong cách cơ quan chưa đầy 1km. Nhưng đã hơn 2 tháng qua, kể từ lúc TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông không được về nhà. Khối lượng công việc rất lớn, thời gian làm việc gần như không còn khoảng trống. Cũng hơn 2 tháng qua, ông Phong chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn.

Trong công tác phòng chống dịch, phường An Cư thực hiện khá tốt. Anh Nguyễn Hải Phong luôn bám sát địa bàn, có phương án làm việc hiệu quả, phân công công việc cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận chuyên môn phường. Phường An Cư là một trong những địa phương triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68 sớm nhất so với các phường khác.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều


“Áp lực là tất yếu. Giai đoạn đầu, khi Cần Thơ vừa bùng phát dịch, lúc ấy, mỗi khi nghe tin trên địa bàn phường có ca nhiễm là tự nhiên tôi cảm thấy rất áp lực. Nhưng trách nhiệm mình là người đứng đầu, nếu không vững thì làm sao quán xuyến. Nên phải tự điều chỉnh. Bình tĩnh mà làm. Riết rồi cũng quen”, ông cười.

“Có lúc nào ông cảm thấy bất lực, bế tắc?”. Giọng ông Phong trầm buồn: “Đó là khi nghe tin những ca F0 có đi mà không có về. Đó là những trường hợp người trụ cột trong gia đình là F1, phải đi cách ly tập trung, ở nhà chỉ còn trẻ nhỏ và người già đùm túm lẫn nhau. Nhìn cảnh ấy, thấy trách nhiệm mình như nặng nề thêm”.

Trong thời gian chống dịch, ông Phong cũng như nhiều cán bộ của phường ăn nghỉ luôn tại cơ quan để kịp thời xử lý, bất kể làm việc ngoài giờ, ban đêm, việc đến đâu làm đến đó.

“Có lần hơn 23h, tôi nhận thông báo có ca nhiễm. Ngay lập tức tôi cùng anh em xuống hiện trường tiến hành phong tỏa sơ bộ khu vực, truy vết, khoanh vùng. Chỉ trong vòng khoảng 1 giờ, việc phong tỏa sơ bộ gần như hoàn tất. Áp lực lắm! Nhưng “sống chung với lũ” riết cũng quen”, ông thản nhiên.

Hiện nay, đã có 14/15 khu phong tỏa ở phường được dỡ bỏ. Đã hơn 14 ngày qua trên địa bàn phường không còn ghi nhận ca nhiễm. Ông nói, “đây chính là động lực cho chúng tôi”.

Tính đến nay, An Cư ghi nhận 59 ca nhiễm Covid-19, trong đó điều trị khỏi cho 48 người, có 116 trường hợp cách ly tập trung, trên 300 trường hợp cách ly tại nhà.

Giãn cách nhưng không xa cách

img

Hàng ngày, ông Phong đều dành thời gian xuống cơ sở, kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm

Phường An Cư là khu vực trung tâm của quận Ninh Kiều với hơn 14.000 dân, trong đó có hơn 3.000 lao động tự do.

Hơn 2 tháng áp dụng giãn cách xã hội, khi những gánh hàng rau, thau cá, những chiếc xe đẩy hàng rong bị bỏ trong xó nhà thì thu nhập của bà con gần như bằng không.

Từng là người bươn chải và gắn bó với tổ dân phố, khu vực trong những năm công tác, hơn ai hết, ông Phong là người hiểu rõ tâm lý, cũng như những khó khăn mà bà con đang đối mặt khi thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

Với tinh thần “dân của mình thì mình phải lo”, các cán bộ phường, trong đó có ông Phong đã đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực phong tỏa.

Với những bà con đi cách ly tập trung, để họ yên tâm, ông Phong liên hệ với điểm cách ly “nhờ cậy”, hễ người dân phường có khó khăn gì thì lập tức báo địa phương để kịp thời hỗ trợ.

Những ngày này, từng tuyến đường, con hẻm phường An Cư im đậm dấu chân của ông Phong. Đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, thấu cảm những mảnh đời khó khăn cần sự hỗ trợ. Mỗi khi có đợt hỗ trợ, ông phân phối và trực tiếp mang quà đến chăm lo cho người dân.

“Tôi phân công rõ ràng, cụ thể từng bộ phận, khi nhận được hỗ trợ từ các mạnh thường quân, tôi giao cho Mặt trận, Hội Phụ nữ làm công tác tiếp nhận, phân phát. Việc cấp phát là phải có danh sách cụ thể rõ ràng và phải báo cáo với tôi. Dân của mình thì mình phải lo. Khổ, tôi không sợ, chỉ lo làm trật với dân”, ông Phong nói.

Giữa tháng 9 vừa qua, để tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 sớm đến tay người dân, ông cùng cán bộ phường và khu vực làm cả ngày lẫn đêm, lập nhiều tổ công tác, chia thành từng nhóm nhỏ gõ cửa từng nhà, từng khu trọ để thống kê số lượng lao động, tập hợp danh sách gửi về UBND quận để phê duyệt.

Ông Kha Thoại Quốc (ngụ phường An Cư), người vừa nhận được tiền hỗ trợ cho biết, trong đợt dịch này gia đình ông thực sự rơi vào khó khăn vì không thể buôn bán: “Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước. Trong lúc khó khăn này, có đồng nào quý đồng đó. Mong sao dịch bệnh sớm chấm dứt để vợ chồng tôi còn tìm kế sinh nhai, không phải làm phiền đến Nhà nước nữa”, ông Quốc, một người dân giãi bày.

Kỳ 1: Trăm dâu đổ đầu chủ tịch

Kỳ 3: Trăm việc rối, tỷ người tìm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.