Sáng nay (11/5), Phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nội dung được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra đã tích cực, trách nhiệm và khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với nhóm nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 gồm:
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách chủ trì), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cập nhật bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, trọng tâm xem xét các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đạt được có thay đổi lớn so với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 2.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên nước ta triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích đánh giá bối cảnh, tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và kết quả các tháng đầu năm bao gồm cả Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống dịch COVID-19 và Nghị quyết của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong 2 năm 2022-2023.
Vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết kỳ họp, trong đó có nhấn mạnh nhiệm vụ chuyển trọng tâm, chính sách phòng chống dịch sang phương hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; vấn đề mở cửa nền kinh tế để lưu thông hàng hóa.
Đồng thời, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về tình hình triển khai gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Gói chính sách này chỉ giải ngân trong 2 năm.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong mục tiêu của Quốc hội mức tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên thực tế hiện nay việc triển khai các gói hỗ trợ này đang chậm dù đã gần hết nửa năm 2022.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022; cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Trong đó, chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo.
Cũng trong kỳ họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Tiếp đó, cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, có sử dụng đa dạng nguồn vốn của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn đầu tư thuộc vốn đầu tư trung hạn và vốn đầu tư từ gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn khác.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, cấp bách, việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp với kế hoạch, chiến lược, hình thức đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư, nhất là tính khả thi của việc bố trí vốn đầu tư. Tránh hiện tượng có vốn đầu tư rồi nhưng không triển khai được.
"Nguyên tắc, khi quyết định đầu tư dự án nào thì người quyết định phải biết được khả năng huy động vốn, tính khả thi của nguồn vốn thế nào? Có so sánh với các danh mục dự án đầu tư theo đầu tư công cũng như gói kích thích kinh tế mà Chính phủ đã trình", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận