Báo cáo không thể nói "chậm, hạn chế" chung chung
Sáng nay (11/5), tại kỳ họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu những báo cáo phải cụ thể bằng những con số.
"Tất cả những báo cáo bỏ đi từ "chậm, hạn chế", phải nói rõ chậm là chậm thế nào, hạn chế là hạn chế thế nào? Những con số phải biết nói", ông Huệ nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), tăng 202,923 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội (số báo cáo Quốc hội chỉ tăng 22,2 nghìn tỷ so với dự toán) vào tháng 10/2021, trong đó 3 khoản thu chủ yếu của NSNN là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán rất cao.
"Vượt thu ngân sách tăng đến 9 lần so với số báo cáo với Quốc hội, một mặt cũng mừng vì ngân sách tăng thu nhưng tôi cho rằng công tác dự báo và đánh giá rất yếu kém. Đây chính là một trong những nguyên nhân chúng ta luôn luôn dự toán thu hằng năm thấp", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, thu ngân sách tăng không bền vững, phần lớn là khai thác tài nguyên và liên quan đến đất.
"Dầu thô tăng là bao nhiêu cần phải nói thẳng ra. Trong này có nói về đất đai thu 70 nghìn tỷ, điều này lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế thấp nhưng thu ngân sách tăng 16,8%. Tuy nhiên, thu về cổ phần hóa doanh nghiệp đặc biệt thấp, chỉ đạt 4 nghìn tỷ đồng trên hơn 40 nghìn tỷ đồng. Trong khi thị trường chứng khoán phát triển rất tốt", Chủ tịch Quốc hội nói.
Không mừng khi số thu ngân sách cao là do thu từ đất đai, tài nguyên
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, một số địa phương tăng trưởng âm nhưng con số thu ngân sách lại cao là do thu từ đất đai, tài nguyên. Vì vậy không mừng gì chuyện này. Đó là thể hiện tính chất không bền vững của các khoản thu này.
"Về chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là khó khăn, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 32,8% dự toán thôi. Rất là ì ạch, phải tìm ra câu hỏi tắc nghẽn ở đâu", ông Huệ đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kém và chậm, đặc biệt việc triển khai Nghị quyết 12.
Liên quan đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa tiền tệ, kiểm soát lạm phát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá ưu nhược điểm, đặc biệt là năm 2022 tình hình diễn biến rất bất thường của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
"Chứng khoán bây giờ quá bất thường, sáng hôm qua (10/5) giảm 54 điểm, chiều đảo chiều trở lại tăng dương, "sáng mưa chiều nắng". Ngày hôm kia giảm gần 60 điểm, một phiên giảm đến hơn 4%", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá tác động trái phiếu của doanh nghiệp, năm ngoái thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng.
"Cái này cần phải dẫn chứng bằng số liệu để cho Đại biểu Quốc hội biết. Tổng số phát hành trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu, trong đó trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản là bao nhiêu? Nợ đến hạn và nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu? Phải tìm được những nguyên nhân, cứ nói là Nghị định không chặt chẽ, thì ai chịu trách nhiệm? Luật Chứng khoán mới sửa, nghị định vừa ban hành đã nói không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm?",Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh: "Không nên đổ thừa lỗi khách quan, phải thừa nhận lỗi chủ quan, quy định trách nhiệm ở vấn đề này. Cơ quan đối tượng nào, ai phải chịu trách nhiệm, không thể nói chung chung".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận