Cuối năm 2022, nợ xấu theo Nghị quyết 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng
Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình Dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo bà Hồng, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Kết quả xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 148.000 tỷ đồng (chiếm 38,93% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012 - 2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).
Kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC đạt khoảng 77.195 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý (trong khi đó, lũy kế từ năm 2012-2017, kết quả xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chỉ đạt 19.524 tỷ đồng).
Nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị được kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Bởi khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt.
Điều đó có thể dẫn đến việc kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; các tổ chức tín dụng thiếu nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất; sẽ không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát sinh những tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng do còn có sự bất cập, thiếu đồng nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu...
"Tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42, khi đó dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Như vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19", nữ Thống đốc trình bày.
Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu
Tại phiên họp, báo cáo về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và thẩm tra dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 424 (Nghị quyết gia hạn), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.
Kết quả thí điểm đã chứng minh hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả thời gian qua.
Bên cạnh đó, trường hợp Nghị quyết số 42 hết hiệu lực mà chưa kịp ban hành khuôn khổ pháp lý mới về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Qua nghiên cứu sơ bộ thì ông nhận thấy vướng mắc chủ yếu ở khâu thực thi. Vì vậy cần làm rõ tổng số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là bao nhiêu, đã xử lý được bao nhiêu còn lại là như thế nào, kể cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trong hệ thống khác, mà nội bảng là phải theo chuẩn mực.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, báo cáo cơ quan thẩm tra chưa nói kỹ vấn đề này. Ông đề nghị hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của COVID-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.
Do vậy, cần đánh giá kỹ xem trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến đâu, từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không, nếu có thì cho bao lâu. Nghị quyết 42 này không thể tồn tại mãi được, đã có phương án cho xây dựng Luật Xử lý nợ xấu rồi mà sao vẫn đề xuất kéo dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận