Xử lý mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình
Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp 32, sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập nội dung liên quan đến chiều cao công trình trong đô thị, vấn đề này đã tranh luận rất nhiều lần. Theo ông, đây là vấn đề lớn, cũng là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
"Khi chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiệm kỳ trước mới thấy ra một điều, chiều cao của công trình chỉ do vấn đề an ninh, an toàn bay thôi, chứ không ai cấm xây nhà cao tầng trong nội đô cả", ông Vương Đình Huệ nêu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng là việc xử lý các mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình như thế nào. Trong thực tế, Bộ Xây dựng cũng không quy định vấn đề chiều cao này. Đây là nội dung gây ra nhiều khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ.
Về phạm vi quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội ví dụ, nếu như quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) lấy trong thực tế phạm vi quy hoạch chỉ 5km2. Nếu như áp tiêu chí, tiêu chuẩn về dân số thì phải rút ra rất nhiều dân.
"Nhưng sau đó chúng ta thay đổi tư duy, lấy 4 quận trong nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình) thành một tổng thể quy hoạch để cân đối thì mới giải quyết được bài toán về vấn đề dân số và hạ tầng", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải chăng tiêu chuẩn, tiêu chí về dân số, mật độ chiều cao công trình nên để tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể, chứ không nên quy định cứng nhắc về việc này.
Tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật
Nội dung về phân loại đô thị trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho là không thống nhất với hệ thống pháp luật và nên bỏ hẳn ra khỏi dự thảo.
Cụ thể, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định phân loại các đơn vị hành chính theo 5 tiêu chí (dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính, trình độ phát triển kinh tế và các yếu tố đặc thù).
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn lại quy định 6 loại đô thị, trong đó phân loại đối với nhóm thành phố trực thuộc Trung ương gồm đô thị đặc biệt và đô thị loại 1; nhóm thành phố trực thuộc tỉnh có đô thị loại 1, 2 và 3; thị xã phân loại thành đô thị loại 3 và 4; thị trấn phân loại thành đô thị loại 4 và 5.
Như vậy, 1 đô thị có thể vừa trùng giữa phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính, song, cũng có thể sẽ không có sự trùng lặp giữa hai cách phân loại này.
Khi đó, tổ chức bộ máy của chính quyền một đô thị có thể không tương xứng với thực tế phát triển của địa phương, dẫn đến quá tải cho bộ máy hành chính, chưa phúc đáp đòi hỏi của thực tế hiện nay.
Tổng thư ký Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm đến khái niệm "khu chức năng" trong dự thảo luật và đề nghị rà soát, đối chiếu với quy định về khu chức năng trong Luật Xây dựng, Luật Đất đai để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Ngược lại, theo ông Bùi Văn Cường, nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn được dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ môi trường; trong khi Khoản 2 Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường lại quy định "nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, thời kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch".
Vấn đề này cần quy định rõ trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để có căn cứ thực hiện trong thực tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận