Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên

20/04/2020, 17:54

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra vào hôm nay (20/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên.

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (20/4), trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối tháng 5.

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự án Luật.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Thường vụ Quốc hội sáng 20/4, dành một điều quy định tổ chức Ủy ban quốc gia về thanh niên - cơ quan phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng quản lý công tác thanh niên.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với điều kiện hiện nay mô hình Uỷ ban là phù hợp, nhưng về lâu dài cơ quan này "lâu lâu họp một lần, không có chức năng quản lý nhà nước thì không cần thiết".

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc lập Bộ Thanh niên không phải xây dựng cơ quan mới mà hình thành từ Đoàn thanh niên, trong đó một bộ phận để làm phong trào Đoàn; mảng thể thao sẽ đưa về Bộ này quản lý.

"Trụ sở có sẵn rồi, ngân sách cho Đoàn thanh niên như chi cho một bộ, như vậy lập bộ mới sẽ không phát sinh biên chế", bà Ngân nói và cho biết, Singapore chỉ mấy triệu dân nhưng trong Chính phủ có Bộ Thanh niên và Thể thao.

Nhấn mạnh đề xuất của mình là "cho tương lai", bà Ngân phân tích trong điều kiện không có Bộ Thanh niên thì Bộ Nội vụ quản lý nhà nước lĩnh vực này, nhưng chức năng chính của Bộ Nội vụ là tổ chức cán bộ, bộ máy của Chính phủ, lĩnh vực thanh niên chỉ là "công việc giao thêm". Do vậy, Ban soạn thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần "suy nghĩ về đề xuất nêu trên".

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo Luật quy định rõ Nhà nước giao thanh niên đảm nhận các công trình theo hình thức "đặt hàng", qua đó tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.

Chung ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói lứa tuổi thanh niên 16 đến 30 là "thời gian đẹp nhất của mỗi người". Vì vậy, Luật Thanh niên phải thể hiện được khí thế, trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước và những cơ hội mà Nhà nước dành cho họ. "Chúng ta hãy để thanh niên xung phong phụ trách một số công trình do nhà nước đầu tư, để họ rèn luyện, cống hiến", ông Hiển nói.

Tại phiên họp, anh Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án luật, các bên đều mong muốn đưa ra các chính sách, tạo điều kiện, động lực để cho thanh niên có những cống hiến, phát huy đầy đủ những khả năng, tiềm năng của thanh niên, phục vụ chung cho sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, xây dựng chính sách cụ thể, hình thành khung chính sách có thể bao quát được đầy đủ các lĩnh vực, nhóm nội dung mà thanh niên quan tâm.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về thanh niên, anh Lê Quốc Phong cũng mong muốn có thêm được những cơ chế, chính sách để tham gia, xem mình như nguồn lực cung cấp cho hệ thống chính trị, cho các lĩnh vực của đời sống đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.