Xã hội

Chủ tịch Quốc hội nói gì vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm và hủ tục "bắt vợ"?

15/02/2022, 15:19

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi "bắt vợ" là hủ tục từ xưa rồi nhưng bây giờ lại tiếp tục thì trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào?

Vụ bỏ cọc mua đất Thủ Thiêm và hiện tượng bất thường trong mua bán đất đai

Sáng nay (15/2), tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.

Nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu nhiều kiến nghị, ý kiến của cử tri liên quan tới các vấn đề nóng thời gian vừa qua, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại vụ bỏ cọc mua đất Thủ Thiêm (TPHCM) và nhiều hiện tượng bất thường khác liên quan tới mua bán đất đai.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cụ thể, như giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế; thoả thuận mua bán nhưng khi ký hợp đồng không chặt chẽ nên giá đất lên cao thì người bán không muốn bán nữa; có loại mua bán đất nhưng không tạo dòng tiền, chuyển nhượng như biện pháp kỹ thuật tạo doanh thu ảo...

"Đây cũng là dạng không bình thường. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý cần khách quan, tỉnh táo, cẩn trọng. Việc này không phải việc nhỏ nên cơ quan của Quốc hội cũng cần giám sát để đảm bảo xử lý cho đúng" – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Các cơ quan của Quốc hội cần vào cuộc sớm

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian Tết Nguyên đán vừa qua, một số nguyên lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Quốc hội có gọi điện phản ánh câu chuyện "bắt vợ" tại Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Ông Huệ cho biết, đọc thông tin trên báo chí thì thấy đây chỉ là trêu đùa nhau giữa cô bé 14 tuổi và cậu bé 16 tuổi, đã quen biết từ trước và hẹn nhau đi chơi, “bắt vợ” chỉ là giả vờ.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, "bắt vợ" là hủ tục từ xưa rồi nhưng bây giờ lại tiếp tục thì trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan của Quốc hội như thế nào?

"Các đồng chí cũng nên có cái kiểm tra, dư luận quan tâm chuyện đó. Hủ tục từ ngày xưa nhưng tại sao lại để nó kéo dài?", Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh bất cứ chuyện gì xảy ra, có tác động xã hội thì các cơ quan Quốc hội phải chủ động vào cuộc sớm.

Tương tự, dẫn câu chuyện sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xăng dầu có tình trạng khan hiếm như vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản giao cho Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội chủ trì, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan khác phối hợp để tổ chức giám sát.

“Qua việc này thì Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội phải chủ động. Trong lĩnh vực của mình có vấn đề gì nổi lên phải chủ động chứ không đợi lãnh đạo Quốc hội phải có văn bản, ý kiến. Vừa làm công tác dân nguyện vừa làm công tác giám sát, phối hợp Mặt trận, cơ quan Chính phủ kiểm tra, làm rõ”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Giải trình thêm về câu chuyện "bắt vợ", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua tìm hiểu sơ bộ thì 4 thanh thiếu niên trong sự việc nêu trên có quen biết nhau và khả năng gây hậu quả nghiêm trọng của vụ việc là chưa có.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng, "bắt vợ" là hủ tục không nên và Ủy ban sẽ tổ chức giải trình hoặc giám sát để có đề xuất giải pháp để giải quyết.

“Đây cũng không phải hiện tượng cá biệt. Cách đây mấy năm ở Nghệ An cũng có trường hợp bắt vợ như vậy”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.